Nhìn lại diễn biến lũ, triều cường vừa qua

Cập nhật, 11:29, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

7 năm sau lũ lớn năm 2011, ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng lại hứng chịu trận lũ lớn, triều cường dâng cao. Thử nhìn lại diễn biến lũ, triều cường vừa qua để có đánh giá những tác động của chúng đến sản xuất, hạ tầng kỹ thuật và dân cư- nhất là ở vùng ven, các cù lao trên các tuyến sông lớn trong tỉnh.

Tranh thủ triều xuống, bà con cù lao Dài khắc phục các đập bị tràn, bị sạt lở.
Tranh thủ triều xuống, bà con cù lao Dài khắc phục các đập bị tràn, bị sạt lở.

Diễn biến lũ, triều cường

Lũ năm 2018 trên sông Mekong đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng nửa tháng. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, vào cuối tháng 7 đã xuất hiện lũ đầu vụ và lên nhanh, mực nước cao nhất ngày 31/7/2018 tại Tân Châu đạt 3,02m (cao hơn TBNN là 0,53m);

tại Châu Đốc đạt 2,48m (cao hơn TBNN 0,41m). Đến ngày 12/9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,05m (trên báo động (BĐ) 2 là 0,05m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,64m (trên BĐ 2 là 0,14m).

Tại Vĩnh Long, mực nước sông, rạch trong tỉnh đã bắt đầu lên vào cuối tháng 8 trùng với kỳ triều rằm tháng 7 âl.

Đến thượng tuần tháng 9, do ảnh hưởng của kỳ triều 30 tháng 7 âl kết hợp lũ thượng nguồn, mực nước sông, rạch lên khá cao và đạt đỉnh vào ngày 12- 13/9/2018 ở mức trên BĐ 3 từ 0,07- 0,14m, chỉ nhỏ hơn đỉnh lũ năm 2017 từ 0,03÷0,21m.

Cụ thể: trên sông Tiền, tại Mỹ Thuận đạt 1,91m, trên sông Hậu tại Cần Thơ đạt 2,06m, tại Tích Thiện (Trà Ôn) đạt 1,81m. Các trạm nội đồng đều ở mức từ 1,8-1,88m trên BĐ 3 khoảng 0,2m.

Vào đầu tháng 10, do ảnh hưởng của 2 yếu tố cực đại là lũ đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh và triều cường 30 tháng 8 âl, mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh lên rất cao từ ngày 7- 12/10 và đạt đỉnh vào ngày 9- 10/10 ở mức trên BĐ 3 từ 0,25 ÷ 0,45 m, vượt đỉnh lũ lớn năm 2011 từ 4 ÷ 8cm và đạt mức kỷ lục mới trong dãy quan trắc.

Trên sông Tiền, tại trạm Mỹ Thuận, đỉnh triều lên mức 2,07m, sông Cổ Chiên tại cống Cái Hóp (huyện Càng Long- Trà Vinh) lên mức 2m.

Trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ lên mức 2,23m, tại xã Tích Thiện (Trà Ôn) lên mức 2,06m; mực nước nội đồng cũng lên mức cao nhất từ trước đến nay: Ba Càng 1,89m, Phú Đức 2,08m, Nhà Đài 1,98m, Tân Thành 2m.

Sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và dân cư tại các vùng trũng, vùng ven các sông, kinh, rạch lớn, các cù lao trên sông lớn bị đe dọa và thiệt hại đáng kể.

Các đô thị nằm ven sông lớn như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, thị trấn Cái Nhum, thị trấn Trà Ôn bị ngập nặng, việc đi lại, sinh hoạt cộng đồng dân cư đô thị gặp khó khăn.

Các công trình đê bao, cống đập thủy lợi, các tuyến đường trục giao thông, đường giao thông nông thôn có cao trình dưới +2,2m đều bị tràn, bị sạt lở. Giao thông trên các trục lớn như QL1A, QL53, QL57 bị ách tắc.

Thiệt hại do lũ, triều cường gây ra

Triều cường vào tháng 10 gây thiệt hại hơn 9,58 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông nghiệp hơn 2,84 tỷ đồng, có 903ha lúa Thu Đông bị ngập (thiệt hại hoàn toàn trên 70%: 0,5ha, thiệt hại nặng từ 30- 50%: 3ha).

Diện tích vườn cây ăn trái bị ngập: 2.065ha. Diện tích rau, màu bị ngập: 146,05ha, bị thiệt hại hoàn toàn (>70%): 28,05ha).

Thiệt hại về công trình thủy lợi: 3,17 tỷ đồng (227 tuyến bờ bao bị tràn dài 247.338m; 159 tuyến bờ bao bị vỡ dài 4.932m; 53 đập bị tràn, dài 1.255m, 62 đập bị vỡ dài 707m).

Thiệt hại về công trình giao thông: 550 triệu đồng (đường đan bị ngập: 155.393m; đường đan bị hư hỏng: 110m; đường tỉnh, QL bị ngập: 14.000m).

Nhà ở bị ngập: 7.596 căn, 6,2ha ao cá bị ngập làm thiệt hại 69,6 tấn cá các loại ước tính trị giá khoảng 2,78 tỷ đồng. 29 điểm trường bị ngập (trong đó: có 22 trường cho học sinh nghỉ học) và 27 chợ bị ngập...

Tổ chức khắc phục hậu quả

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do lũ, triều cường gây ra.

Các địa phương đã huy động 2.097 lượt cán bộ, lực lượng công an, dân quân tự vệ, 2.192 ngày công lao động giúp nhân dân chống lũ.

Có 52 máy đào, xáng cạp được triển khai để khắc phục với tình hình triều cường. Riêng huyện Tam Bình huy động 25 máy bơm chống úng trên địa bàn xã Phú Thịnh, Tân Phú, Song Phú.

Đến nay đã khắc phục 115/227 đoạn bờ bao bị tràn (dài 170.983m), đắp lại 39/159 đoạn bờ bao bị sạt lở (dài 767m/4.932m), 30/53 đập bị tràn (dài 622m/1.255m) và 25/62 đập bị sạt lở (dài 306m/707m), với kinh phí khắc phục hơn 3,29 tỷ đồng. Trong đó, huyện Bình Tân khắc phục: 1,9 tỷ đồng; Mang Thít (496,3 triệu đồng); Trà Ôn (466 triệu đồng); TX Bình Minh (418 triệu đồng).

Sở Nông nghiệp- PTNT đã tổ chức các đoàn công tác, phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá tình hình thiệt hại do triều cường gây ra, hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để phục hồi các vườn cây ăn trái bị ngập, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng.

Đánh giá ảnh hưởng của đợt triều cường vừa qua

Tuy mực nước dâng lên ở mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng ảnh hưởng của đợt triều cường vào đầu tháng 10 không bằng những năm lũ lớn 2000- 2002 và năm 2011.

Diện bị ngập, thời gian gây ngập và thiệt hại cũng ít hơn (năm 2000 thiệt hại do lũ là 166,268 tỷ đồng, năm 2001: 73,4 tỷ đồng, năm 2002: 85,1 tỷ đồng và năm 2011: 238 tỷ đồng).

Nguyên nhân: Nhờ hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp khá nhiều; quy mô, cao trình công trình đã được nâng lên cao so với trước đây.

Công trình thủy lợi liên kết tốt với hệ thống đường giao thông nông thôn trong khép kín chủ động tưới tiêu, ngăn lũ cho trên 93% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; do nhiều địa phương đã chủ động lập kế hoạch phòng, chống ngay từ đầu mùa lũ và tổ chức tốt công tác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ, triều cường gây ra.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá trước mùa lũ năm 2018 của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 14.195ha đất canh tác kém an toàn với lũ lớn năm 2011.

Nhưng trong đợt lũ này, diện tích ngập chưa tới 2.500ha. Điều đó cho thấy, hệ thống đê bao thủy lợi trong tỉnh có khả năng ngăn lũ tốt.

Khu vực bị vỡ bờ nhiều nhất gồm: khu vực ven sông Hậu có huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn (gồm các cồn, cù lao nhỏ ven sông chưa có đầu tư đê bao chắc chắn); khu vực ven sông Tiền có cù lao Minh;

khu vực ven sông Cổ Chiên có huyện Mang Thít, cù lao Dài (huyện Vùng Liêm); khu vực ven sông Măng có huyện Mang Thít, Tam Bình và Vùng Liêm. Các khu vực nội đồng nhìn chung ít tràn, vỡ bờ bao, chỉ có tràn là những con đập bị lún hoặc đường đan làm nhưng cao trình thấp.

Tuy nhiên, còn một số tuyến đường giao thông do trước đây khi xây dựng chưa lồng ghép yếu tố phòng, chống lũ, triều cường nên xây dựng ở cao trình thấp, không ngăn được đỉnh triều lên cao vừa qua.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG