Phát triển bền vững ĐBSCL- cần hành động và tư duy đột phá

Kỳ 3: Tìm cách thích ứng với những biến đổi

Cập nhật, 05:52, Thứ Ba, 03/10/2017 (GMT+7)

Lịch sử hình thành hàng ngàn năm của vùng ĐBSCL đã cho thấy cách con người tồn tại và phát triển là sự thích nghi, hài hòa với thiên nhiên. “Sống chung”, thích ứng với những điều kiện tự nhiên biến đổi mới là giải pháp phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Theo các nhà khoa học, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL nên áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”, tôn trọng quy luật tự nhiên…
Theo các nhà khoa học, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL nên áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”, tôn trọng quy luật tự nhiên…

Những cách làm “mềm” chủ động ngăn mặn và tận dụng hiệu quả nước ngọt

Vườn sầu riêng hơn 3ha của ông Mai Hồng Thảo (ở ấp Vĩnh Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách- Bến Tre), hầu hết đã 20-30 năm tuổi và cho trái khá ổn định.

Đợt mặn xâm nhập hồi năm 2016, tuy kịp thời ngăn chặn, nhưng ông Thảo cho biết 2 năm qua đã dưỡng cỏ trong các mương vườn.

“Theo tôi, việc này có lợi là nước ít bốc hơi, tăng độ ẩm cho đất nhất là trong mùa khô hạn và tiết kiệm nước tưới”- ông Thảo và nhiều nhà vườn ở Chợ Lách đã tính cách giữ nước chủ động tưới tiêu.

Dưỡng cỏ trong vườn cũng là một giải pháp kỹ thuật nhà vườn áp dụng cho nhiều loại cây như cam, quýt, bưởi.

Tại vườn cam mật không hạt của ông Phạm Văn Đảo (xã Tân Thới, huyện Phong Điền- TP Cần Thơ), cỏ được duy trì trong vườn quanh năm.

Ông Đảo cho biết: “Cỏ giữ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới, còn chống xói mòn. Nhờ vậy, đất vườn luôn tơi xốp, thông thoáng, độ ẩm phù hợp với cây, tránh thối rễ.

Miệt vườn cây ăn trái Vĩnh Long nhiều nhà vườn cũng không chủ quan “nước ngọt quanh năm”, như ở huyện Trà Ôn người trồng cam truyền nhau kinh nghiệm trồng cỏ rau trai trên mô cây ăn trái. 

Theo nhà vườn, việc áp dụng kỹ thuật mới này đã giúp vườn cây phát triển tốt, kéo dài tuổi thọ và giúp cho đất tơi xốp hơn.

Sự phát triển bền vững không còn dựa vào tăng sản lượng

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách đồng bộ hỗ trợ hình thành các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng, thay vì chỉ hỗ trợ đầu vào là người sản xuất.

Sự phát triển bền vững không còn dựa vào tăng sản lượng, mà phải dựa vào việc hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, lấy chi phí và chất lượng quyết định cạnh tranh. Gắn kết sản xuất với công nghệ bảo quản, chế biến, dịch vụ logistics, thương mại điện tử.

Từ đó, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp biết tiếp cận nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để tăng giá trị vào từng công đoạn của chuỗi giá trị, tiếp cận các phương pháp quản trị để xây dựng chiến lược phát triển.

Nông dân ĐBSCL cũng đã “cảnh giác” hơn với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn.

Từ kinh nghiệm “xương máu” của nhà vườn cù lao Tích Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) thất thu do ảnh hưởng xâm nhập mặn năm 2016, ông Võ Văn Bê- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Java Tân Khánh- cho biết:

“HTX cùng nhiều nhà vườn mua máy đo độ mặn, thay phiên theo dõi độ mặn trên sông để thông báo bà con khóa cống bộng ngăn mặn kịp thời, trong trường hợp có diễn biến bất thường”.

Trong tư duy quản lý và điều hành sản xuất của nhiều địa phương cũng đã cho thấy sự thay đổi trong việc tận dụng và sử dụng nguồn nước ngọt hợp lý.

Ông Lê Văn Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp- cho rằng đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương không tăng diện tích lúa vụ 3.

Thực tế, tại xã Thường Thới Hậu A, B (Hồng Ngự) từ mô hình bung lưới nuôi tôm trên ruộng đem lại hiệu quả tốt, xã còn tính “làm kinh tế” mùa nước nổi với các mô hình: lúa- thủy sinh- trữ cá đồng tự nhiên; lúa- vịt- cá tự nhiên hay lúa- tôm.

Rất nhiều vùng sản xuất ở vùng tứ giác Long Xuyên có hệ thống đê bao khép kín chủ động sản xuất nông nghiệp, đã chuyển đổi từ lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.

Sản xuất bền vững cũng là cách làm mới của người dân vùng đất thuần nông Mỹ Lộc (Tam Bình- Vĩnh Long), HTX Nông nghiệp Tân Tiến tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất.

Từ sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ đến việc vận động xả lũ, làm lúa 2 vụ/năm, đã đem lại nhiều cái lợi cho nông dân trước mắt và giữ phù sa, giữ môi trường lâu dài cho cộng đồng.

Ông Phạm Thành Tâm- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Phú (An Giang) mừng ra mặt cho biết “năm nay nghe có lũ về bà con hớn hở lắm, vì mấy năm qua gần như lũ biến mất”.

Bởi theo ông Tâm, đồng bằng được thiên nhiên ưu đãi, dồi dào phù sa, việc chặn đê bao không lấy “lộc trời” là lãng phí.

Cần chiến lược mang tính khu vực lâu dài

Lúa vẫn là cây trồng quan trọng ở ĐBSCL, nhưng phải giảm sản lượng và nâng cao chất lượng.
Lúa vẫn là cây trồng quan trọng ở ĐBSCL, nhưng phải giảm sản lượng và nâng cao chất lượng.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), từ “chống lũ” ĐBSCL đã chuyển sang “sống chung với lũ” một cách phù hợp.

Nghĩa là kết hợp giữa hạn chế tác hại của lũ, đồng thời khai thác các lợi ích do lũ mang lại, bao gồm cả biện pháp công trình và biện pháp phi công trình.

Thực tế, ngoài thách thức từ việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, ĐBSCL còn bị đe dọa do mất rừng ngập mặn, rừng tràm và việc khai thác quá mức nước ngầm, gây sụt lún mặt đất, chìm nhanh.

Theo các nhà khoa học, thay vì “chống” nên áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”- ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro sai lầm khó sửa chữa được, đặc biệt cần tôn trọng quy luật tự nhiên…

Theo tính toán của ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL- đã đến lúc lũ cần được đưa trở lại vào ruộng vườn một cách chủ động nhằm khai thác tất cả lợi ích từ lũ như vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất; lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất; lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm; giữ gìn đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản,…

Chính vì thế, ThS. Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo con người phải thích ứng với những điều kiện tự nhiên
biến đổi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- cho rằng cần phải cố gắng thích ứng các điều kiện tự nhiên để tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống cho phù hợp.

ĐBSCL đang chịu thách thức lớn về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và suy thoái nguồn nước.

Và “chúng ta cũng đang sống chung với những thách thức đó. Muốn vượt qua thách thức để phát triển, có những việc phải có sự đầu tư nguồn lực cần thiết, đủ lớn và kịp thời của Trung ương.

Vượt qua thách thức cần sự tái cấu trúc ngành và lĩnh vực cả vùng”- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đưa ra quan điểm, nhưng ông cũng nhấn mạnh:

“Phải rất thận trọng, tính toán kỹ để không can thiệp sâu bằng giải pháp công trình làm tác động biến đổi các hệ sinh thái như trong quá khứ đã từng làm”.

(Còn tiếp)

Trồng sen trữ lũ

Từ tháng 4/2015, TS. Dương Văn Ni đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế mô hình sinh kế có tính chất trữ lũ” với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thực hiện mô hình sen- lúa tại Đồng Tháp, được đánh giá phù hợp cả trong điều kiện ngập nước lẫn khô hạn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa 3 vụ/năm chỉ 60,2 triệu đồng/ha; thâm canh sen thì lợi nhuận trên 117 triệu đồng/ha; trồng sen kết hợp nuôi cá cho lợi nhuận 130 triệu đồng/ha và nếu trồng sen kết hợp làm du lịch thì thu nhập lên đến 290 triệu đồng/ha. TS. Dương Văn Ni cho rằng, trồng sen ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ít tổn hại cho môi trường.

Trồng sen còn là nơi trữ lũ để cấp nước cho vùng trồng lúa và hoa màu ở bên cạnh trong trường hợp khô hạn bất ngờ như đợt hạn, mặn khốc liệt vừa qua.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ