Gần 1.500 lượt đại biểu APEC bàn về an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững

Cập nhật, 13:17, Thứ Bảy, 19/08/2017 (GMT+7)
 Các chương trình của APEC tại TP Cần Thơ đều đề cập tới vấn đề ANLT để phát triển nông nghiệp bền vững.
Các chương trình của APEC tại TP Cần Thơ đều đề cập tới vấn đề ANLT để phát triển nông nghiệp bền vững.

Đó là số đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, thành viên APEC, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp tham dự các sự kiện tại “Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” diễn ra tại TP Cần Thơ từ 18- 25/8/2017.

Theo ban tổ chức, trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, ANLT được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực.

Tuy nhiên, việc đảm bảo ANLT, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, ước tính hiện nay trên thế giới còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển.

Tình trạng đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là những thách thức lớn cho việc đảm bảo ANLT cho khoảng 7,5 tỷ người. 

APEC là khu vực có sản lượng nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu, phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (40% dân số thế giới) và chiếm 57% GDP của thế giới.

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo rào cản hình thành chuỗi liên kết sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam là thành viên của APEC và là một nước nông nghiệp, nguồn vốn ODA đầu tư cho ngành nông nghiệp và PTNT chủ yếu từ các nền kinh tế thành viên APEC đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành.

Việc tổ chức “Tuần lễ ANLT và đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH” sẽ góp phần vào hiện thực hóa các ưu tiên của APEC, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng trong APEC.

Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam giới thiệu và quảng bá với các nền kinh tế thành viên APEC và các thị trường nhập khẩu nông sản tiềm năng khác về các hoạt động và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Tin, ảnh: TUYẾT HIỀN