Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Cập nhật, 17:00, Thứ Tư, 07/06/2017 (GMT+7)

Ngày 7/6/2017, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại hội trường, vấn đề nợ xấu được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, về nguyên tắc xử lý nợ xấu, đại biểu đồng tình với dự thảo không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tranh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu.  

Đóng góp thêm cho dự thảo luật, về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị bên cạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cần bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương, vì quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng hoạt động như tổ chức tín dụng và cũng có nợ xấu.

Về xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản, điều kiện đặt ra là phải đảm bảo được 3 điều kiện, đề nghị quy định nên hướng tổ chức xử lý nợ được quyền chuyển dự án bất động sản nguyên căn nguyên cư và thủ tục pháp lý tới đâu thì có giá thị trường quy định tới đó.

Liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là các tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ.

Bởi, dự thảo nghị quyết quy định thời hạn thu giữ tài sản là 10 ngày thông báo và sau đó 10 ngày tiến hành thu hồi thì tương đối ngắn.

Vì việc thu giữ tài sản còn liên quan đến bất động sản, liên quan đến nhà ở, trong một số trường hợp có thể phát sinh vướng mắc khi người có tài sản thu giữ bố trí nơi ở mới, đặc biệt là liên quan đến nơi ở của người già, trẻ em.  

Ngoài ra, để hạn chế nợ xấu trong thời gian tới, đại biểu đề nghị nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu cũng như hạn chế được nợ xấu phát sinh.

Cần nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác tín dụng, nợ xấu phải được quản lý và giám sát, xử lý chặt chẽ, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần định hướng tín dụng, phục vụ cho chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, tránh bơm vốn cho bong bóng bất động sản để có thể dẫn đến rủi ro tăng nợ xấu, đổ vỡ dây chuyền cho nền kinh tế.

TÂM- THI