Quyết tâm thực hiện 3 khâu đột phá để Vĩnh Long trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2020

Cập nhật, 05:25, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- về những thay đổi của tỉnh thời gian qua cùng những định hướng để phát triển tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

* Thưa đồng chí, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long đã đạt những thành tựu nổi bật gì và đâu là dấu ấn quan trọng nhất?

- Đồng chí Trần Văn Rón: Sau khi tách tỉnh vào năm 1992, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn và nhiều biến động, khó khăn khác nhau.

Nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực, phấn đấu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của toàn Đảng, quân và dân trong tỉnh, Vĩnh Long đã có bước đổi mới, tiến bộ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức hợp lý, đã chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng xanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992- 2016 đạt 8,18%.

Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng gấp 7,13 lần so với năm 1991; trong đó, khu vực công nghiệp- xây dựng tăng 21,1 lần và dịch vụ tăng 14 lần.

GRDP bình quân đầu người tăng từ 1,51 triệu đồng/người vào năm 1992 lên 41,1 triệu đồng/người năm 2016. Huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn có nhiều tiến bộ, năm 2016 đạt trên 11.300 tỷ đồng, tăng hơn 28 lần so với năm 1992.

Nông nghiệp Vĩnh Long đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Ảnh: VINH HIỂN
Nông nghiệp Vĩnh Long đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Ảnh: VINH HIỂN

Ngành nông nghiệp đang tập trung cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đã xây dựng được nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Hình thành được 2 khu công nghiệp và 1 tuyến công nghiệp với tổng diện tích 416ha, toàn tỉnh có 29 làng nghề được công nhận và có trên 2.670 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2016 tăng gấp 30,2 lần so với năm 1992.

Thương mại- dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; đến nay, toàn tỉnh có 115 chợ và 6 siêu thị, tăng 37 chợ và 6 siêu thị so với năm 1992; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 đạt gần 36.000 tỷ đồng, tăng 65 lần so với năm 1992; xuất khẩu đạt 358 triệu USD, tăng 13 lần so năm 1992.

Thực hiện tốt các chế độ chính sách và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đến nay toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,77%; trường học các cấp đã được kiên cố hóa, trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 40,5%; mạng lưới cơ sở vật chất y tế được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đáp ứng cơ bản yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Có thể khẳng định, dấu ấn quan trọng nhất tạo nền tảng và sự đột phá cho phát triển của Vĩnh Long đó là việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình như chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình thu hút vốn đầu tư, chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,...

Những thành quả đã đạt được qua thực hiện các chương trình đã tạo ra thế và lực để Vĩnh Long phát triển trở thành tỉnh trung bình khá trong khu vực ĐBSCL.

* Có thể khẳng định rằng, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long có rất nhiều thay đổi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Theo đồng chí những thành tố nào đóng góp tích cực cho những thành tựu trên?

- Đồng chí Trần Văn Rón: Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long có rất nhiều thay đổi, tăng trưởng kinh tế đã chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng xanh và bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được củng cố; hệ thống chính trị không ngừng được tăng cường và nâng chất lượng hoạt động; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng được nâng cao; nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Đạt được những thành quả nêu trên, bên cạnh truyền thống đoàn kết, sự năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chúng ta cũng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; sự ủng hộ, giúp đỡ của các tỉnh, thành bạn, các tổ chức tôn giáo và các doanh nhân, doanh nghiệp đã đồng hành và hỗ trợ cho tỉnh.

* Vĩnh Long đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đồng chí có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm nào tỉnh sẽ tập trung thực hiện để đạt mục tiêu trên?

- Đồng chí Trần Văn Rón: Để phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2020, Tỉnh ủy Vĩnh Long sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm sau: trước tiên là triển khai thực hiện đạt hiệu quả 3 khâu đột phá đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về kinh tế- xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra; tập trung nguồn lực thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của Tỉnh ủy, trong đó tập trung thực hiện chương trình thu hút vốn đầu tư và chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016- 2020.

Triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp cải thiện về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Long.

Tiếp tục cải thiện và giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh từ nay đến năm 2020 nằm trong nhóm rất tốt của cả nước. 

Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ của Tỉnh ủy UBND tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. 

* Từ những nền tảng sẵn có cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, theo đồng chí trong 10 năm, 20 năm tới Vĩnh Long sẽ như thế nào?

- Đồng chí Trần Văn Rón: Trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, những năm tới, với tinh thần đoàn kết nhất trí và sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, tôi tin tưởng rằng, Vĩnh Long sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa, không những đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL mà còn đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá so với các tỉnh- thành trong cả nước.

* Xin cảm ơn đồng chí!

THANH TÂM (thực hiện)