"Nóng" chuyện giành vỉa hè cho người đi bộ

Cập nhật, 05:20, Thứ Tư, 22/03/2017 (GMT+7)

 

Nhiều tuyến đường, vỉa hè bị chiếm thành chỗ mua bán, kinh doanh, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh chụp tại đường Hùng Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long).
Nhiều tuyến đường, vỉa hè bị chiếm thành chỗ mua bán, kinh doanh, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh chụp tại đường Hùng Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long).

Chưa bao giờ vấn đề trật tự vỉa hè ở các đô thị lại nóng lên như hiện nay. Khi mà các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội rồi Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang... đã ra quân để “giành lại vỉa hè” thì tại TP Vĩnh Long, dù việc kiểm tra diễn ra thường xuyên song tình trạng cũng chưa có cải thiện đáng kể.

Kiểm tra thường xuyên nhưng chưa hiệu quả

Mặc dù đã kiểm tra, xử lý rất nhiều lần, song chuyện lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán vẫn diễn ra. Trên nhiều tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long như: đường 3 Tháng 2, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Văn Thiệt, Trần Đại Nghĩa, Lưu Văn Liệt, Nguyễn Huệ,… vỉa hè bị các hàng quán, cơ sở kinh doanh, xe hàng rong lấn chiếm.

Người thì lấn ra một chút, người thì bày hẳn bàn ghế để bán thức ăn, ai có vỉa hè trước nhà là “xí” luôn phần đó để bày biện hàng hóa...

Chị Huỳnh Thị Ngọc Chi (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Ở đô thị, tấc đất tấc vàng nên ai cũng lấn ra, riết thành thói quen, biết là vi phạm nhưng vẫn làm. Vỉa hè chỉ được trả lại khi có đội trật tự đến thôi, họ vừa đi thì mọi thứ lại đâu vào đấy”.

Thượng tá Hồ Quyết Tiến- Phó trưởng Công an TP Vĩnh Long cho biết: “Thời gian qua, mặc dù công tác kiểm tra trật tự đô thị, trật tự giao thông được thực hiện thường xuyên song không mang lại hiệu quả. Có kiểm tra thì đường, vỉa hè thông thoáng nhưng khi lực lượng kiểm tra đi thì đâu lại vào đó”.

Đáng chú ý là khu vực chợ Vĩnh Long- được xem là điểm nóng có nhiều người lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông. Việc mạnh tay kiểm tra, xử lý sẽ trả lại vẻ mỹ quan cho chợ, cho đô thị sáng- xanh- sạch, đẹp hơn.

Song hơn một tháng quyết liệt kiểm tra, ông Hồ Huy Thông- Đội phó Đội Kiểm tra trật tự đô thị TP Vĩnh Long cho hay: Tình trạng cũng chuyển biến song chỉ khi có lực lượng đến kiểm tra thì đường mới thông thoáng hơn, người bán nép vào 2 bên đường, còn khi đội kiểm tra đi qua thì nhiều người vẫn đem hàng hóa ra bán”.

Nhiều người cho rằng, việc lấn vỉa hè không chỉ do ý thức kém mà còn do việc kiểm tra còn thiếu chặt chẽ, kiểm tra rồi đi, dân lại bày ra bán, cứ như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Chợ Vĩnh Long là một trong những điểm nóng thường xuyên xảy ra lấn chiếm lòng lề đường.
Chợ Vĩnh Long là một trong những điểm nóng thường xuyên xảy ra lấn chiếm lòng lề đường.

 

 

Trong quý I/2017, công an phường- xã thuộc địa bàn TP Vĩnh Long đã phát hiện và lập biên bản 252 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhắc nhở 825 trường hợp mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Đội Kiểm tra trật tự đô thị TP Vĩnh Long lập biên bản 60 trường hợp vi phạm, phạt 47 trường hợp với số tiền trên 8,2 triệu đồng, cho cam kết và nhắc nhở 42 hộ buôn bán lấn chiếm trên đường 1 Tháng 5.

Cần có biện pháp quyết liệt, lâu dài

Theo Thượng tá Hồ Quyết Tiến, nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè không được xử lý triệt để nhất là ở địa bàn Phường 1 là do đặc thù của phường nhỏ hẹp, chợ nhỏ không đủ chỗ bố trí cho tiểu thương buôn bán, nhiều người không vào chợ bán được, buộc phải bán ở lòng đường.

Thêm vào đó, có nhiều người dân từ địa phương khác đến Phường 1 để bán hàng rong. Chưa kể, các nhà ở chợ vừa để ở và mua bán, diện tích nhà nhỏ nên nhiều người bày bán hàng hóa lấn ra vỉa hè. Tại các phường- xã, việc thực hiện vẫn chưa quyết liệt, thống nhất.

“Việc lấn chiếm vỉa hè đã vô tình trở thành một thói quen bấy lâu nay của người dân, do đó không thể chỉ một sớm một chiều là thay đổi được. Cơ quan chức năng cũng không thể nào suốt ngày ra quân và chỉ lo việc dẹp lòng đường hay giành lại vỉa hè”- ông Hồ Huy Thông cho biết.

Chị Thanh Phương (Phường 4) bày tỏ: “Tôi thấy khu vực chợ Vĩnh Long khách du lịch thường xuyên lui tới dạo chợ, mua sắm.

Đôi khi vì mưu sinh nên người lao động nghèo chọn vỉa hè để bán trái cây, mớ rau rồi tất tả gom hàng chạy khi thấy lực lượng chức năng, tôi thấy thương thương làm sao. Phải chi mình bố trí chỗ nào để họ buôn bán ổn định. Tránh tình trạng dẹp thì chạy rồi lại đâu vào đó. Hình ảnh đó không đẹp đối với khách du lịch”.

Có thể thấy, việc ra quân xử lý, lập lại trật tự đô thị, trật tự giao thông trong thời gian qua là điều cấp thiết và đã được rất nhiều người đồng tình, ủng hộ.

Bởi không chỉ mỹ quan đô thị được cải thiện một cách đáng kể mà việc làm này còn góp phần không nhỏ trong việc giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để cuộc chiến giành lại vỉa hè thật sự mang lại hiệu quả, cần thực hiện nhiều giải pháp hơn là việc chỉ dọn dẹp và phạt hành chính tức thời.

Thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra là người bán lại tất tả dọn hàng chạy.
Thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra là người bán lại tất tả dọn hàng chạy.

Trên thực tế, người dân biết rõ việc lấn chiếm vỉa hè là sai phạm nhưng vì nhiều lý do như: thiếu việc làm, cuộc sống khó khăn, tiện lợi... đã khiến người dân bất chấp quy định mà lấn chiếm.

Vì vậy, trước tiên phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích khi vỉa hè thông thoáng, không chỉ người đi bộ có lợi mà bản thân những chủ cửa hàng cũng được hưởng những lợi ích ăn theo: vừa tạo mỹ quan đô thị, thuận tiện cho người đi bộ, khách du lịch nên việc kinh doanh sẽ diễn ra tốt hơn.

Song song đó, cùng với việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, bài toán về mưu sinh cho người nghèo đô thị cũng cần quan tâm.

Vì vậy, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch chợ, điểm bán ổn định cho tiểu thương, người bán hàng rong, bãi đậu xe... Có như vậy, người dân sẽ không còn tâm lý đối phó, “canh” lực lượng chức năng đi kiểm tra.

Câu chuyện “giải cứu” vỉa hè là chuyện nói hoài, nói mãi nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Do đó, rất cần quyết tâm của chính quyền, các cơ quan chức năng cùng sự ủng hộ, hưởng ứng và tự giác chấp hành của người dân.

Thượng tá Hồ Quyết Tiến- Phó trưởng Công an TP Vĩnh Long

 

Một trong những biện pháp lâu dài để khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng lề đường là phải bố trí chỗ buôn bán ổn định cho các tiểu thương, như vậy mới có cơ sở xử lý triệt để. Kiểm tra theo phong trào vẫn được nhưng có giữ được lâu dài hay không mới quan trọng. Muốn trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ không phải chỉ phạt người lấn chiếm mà còn phải giải quyết về hạ tầng như cây xanh, biển báo, hố ga... Do đó, thời gian tới các ngành sẽ phối hợp khảo sát bất cập trên vỉa hè, sau đó báo cáo, xin ý kiến để thực hiện cho đồng bộ.

 

 

  • ™Bài, ảnh: QUYÊN LY