Cần xây dựng "kịch bản" đảm bảo thu- chi ngân sách hiệu quả

Cập nhật, 13:48, Thứ Ba, 07/02/2017 (GMT+7)

Chính sách thuế thiếu tính ổn định và nhiều bất cập, Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, một số đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) chưa cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành... là những nguyên nhân gây trở ngại trong việc thu NSNN, chi ngân sách địa phương (NSĐP).

Vấn đề đặt ra đòi hỏi các đơn vị cần phải xây dựng “kịch bản” để đảm bảo thu- chi ngân sách cho hiệu quả.

Năm qua, một số nguồn đối ứng, nguồn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản còn chậm triển khai chi tiết đến từng dự án.
Năm qua, một số nguồn đối ứng, nguồn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản còn chậm triển khai chi tiết đến từng dự án.

11/15 nguồn thu không đạt, tổng nợ thuế còn cao

Năm 2016, ngành thuế thu NSNN hơn 3.100 tỷ đồng, đạt 103,7% so dự toán pháp lệnh, đạt 103,2% so chỉ tiêu HĐND tỉnh giao và tăng 16% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, có 11/15 nguồn thu không đạt dự toán pháp lệnh, thấp nhất là thu phí, lệ phí 65,5%; thu khác ngân sách 70,7%; thuế bảo vệ môi trường 72,4%...

Theo ông Huỳnh Vân Hải- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long, trong thảo luận và giao dự toán cho địa phương, Trung ương chưa thực sự quan tâm đến điều kiện thực tế ở địa phương để giao, mà căn cứ vào mặt bằng chung của cả nước để ấn định mức chung đã làm ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn thu NSĐP.

Trong năm, có một số chính sách có hiệu lực như: giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phổ thông từ 22% còn 20% đã làm giảm thu ngân sách khoảng 62,5 tỷ đồng.

Song, chính sách về thuế vẫn còn thiếu ổn định, Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và nhiều bất cập trong chính sách thuế, trong quản lý thuế giữa DN và hộ.

Cụ thể, hộ kinh doanh theo cơ chế khoán, mức khoán tùy thuộc vào điều tra ấn định theo Thông tư 92 của Bộ Tài chính nên không thể chính xác 100%.

DN thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp nên có một số cố tình kê khai trốn thuế và nhiều người không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng. Đối với ngành dịch vụ ăn uống, hộ nộp thuế thu nhập cá nhân là 1,5%/doanh thu, còn DN phải nộp thuế thu nhập DN 5%/doanh thu.

Năm 2016, Cục Thuế tỉnh đã thanh tra 31 đơn vị, đạt 129% so kế hoạch, trong đó đã ban hành kết luận thanh tra 30 đơn vị với tổng số tiền truy thu và phạt gần 10,5 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã nộp vào NSNN là gần 6,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ngành thuế, vẫn còn một số nguồn thu chưa được quản lý tốt như: giao thông vận tải; thuế, phí đối với tài nguyên cát sông, đất, nước; thầu xây dựng nhà ở tư nhân. 

Về tổng nợ thuế còn khá cao, gần 448,3 tỷ đồng, tăng hơn 11,2 tỷ đồng so cùng kỳ, tương đương 2,5%. Trong đó, nợ khó thu gần 281 tỷ đồng, tăng gần 157 tỷ so cùng kỳ, tương đương 126,2%.

Hiện, quy trình quản lý nợ, cưỡng chế nợ còn thiếu ổn định; một số hướng dẫn còn chung chung chưa phù hợp với thực tế; một số DN nợ thuế lớn nhưng đã ngưng hoạt động, không còn khả năng trả; DN nợ nhưng đã thế chấp tài sản cho ngân hàng nên việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản không khả thi; DN cũng lách luật bằng cách lập chứng từ hóa đơn mua bán dưới 20 triệu đồng để giao dịch bằng tiền mặt, nên khó áp dụng thu hồi qua ngân hàng.

Cùng với đó, sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc nộp thuế ngay khi mới phát sinh còn chưa tốt, nên khi phát sinh nợ lớn, tiền phạt chậm nộp tăng dẫn đến mất khả năng nộp thuế; khả năng vận động, tuyên truyền của một số công chức ngành thuế còn thiếu tính thuyết phục; việc phân loại đối tượng thu chưa khoa học, hiệu quả và ngành thuế chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định.

Rà soát các nguồn thu, tăng cường kiểm soát chi

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, năm qua tổng thu NSNN trên 12.200 tỷ đồng, tổng chi NSNN gần 10.100 tỷ đồng, trong đó chi cân đối NSĐP gần 6.000 tỷ đồng, đạt 111,5% so dự toán HĐND phê duyệt. Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), đã tạm ứng và thanh toán hơn 2.200 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch năm.

Theo ông Hồ Duy Linh- Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, năm 2016 là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công nên còn những dự án công trình chủ đầu tư chưa kịp thời đưa vào danh mục, việc thẩm định cân đối nguồn vốn trong cả giai đoạn gặp khó. Nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều lúng túng.

Bên cạnh, một số chủ đầu tư chưa chấp hành tốt các quy định về đầu tư XDCB; chậm triển khai dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, một số dự án được ghi vào kế hoạch nhưng chưa đảm bảo thủ tục; chủ đầu tư chưa quan tâm đến thanh toán tạm ứng khi đã được thông báo thu hồi tạm ứng và chậm lập thủ tục quyết toán dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Song, một số đơn vị sử dụng NSNN chưa cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành nên khi thực hiện thanh toán còn vướng mắc.

UBND tỉnh cũng chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về thu NSNN, chi NSĐP năm 2016, ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh đã đề xuất các “kịch bản” nhằm góp phần đảm bảo thu- chi ngân sách có hiệu quả.

Theo đó, Cục Thuế tỉnh cần rà soát các nguồn thu, tăng cường thanh- kiểm tra công tác thu của các chi cục thuế và đối tượng nộp thuế; tăng cường quản lý nợ thuế; tổ chức cưỡng chế thu đối với trường hợp có đủ điều kiện nhưng cố tình, chây ỳ không nộp; quan tâm tập huấn kỹ năng dân vận, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn cho công chức ngành thuế, tăng cường kiểm tra uốn nắn cán bộ thuế ở cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong tuyên truyền về thuế.

Đối với Kho bạc Nhà nước tỉnh, cần chủ động phối hợp triển khai các văn bản mới liên quan đến thu NSNN, chi NSĐP, trình tự thủ tục trong đầu tư XDCB, tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư XDCB, thủ tục quyết toán, tất toán; đồng thời, cần tăng cường kiểm soát chi NSNN, nhất là trong chi đầu tư XDCB và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư theo luật định.

Qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phát hiện, từ chối và đề nghị các đơn vị sử dụng vốn NSNN bổ sung chứng từ hợp lệ cho 91 khoản chi của 22 đơn vị với tổng số tiền gần 60,8 tỷ đồng, phát hiện và từ chối không thanh toán 6 khoản chi của 4 đơn vị với số tiền 576 triệu đồng.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN