Thích ứng hạn, mặn theo kỹ thuật Israel

Cập nhật, 15:16, Thứ Năm, 23/06/2016 (GMT+7)

Trước tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Thương vụ Israel- Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp của Israel hỗ trợ doanh nghiệp nông thủy sản ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán, xâm ngập mặn”.

Hội thảo nhằm kết nối doanh nghiệp Isarel với doanh nghiệp Việt Nam, với các dự án của các tỉnh ĐBSCL trong ngành nước, xử lý nước, lọc nước, công nghệ tưới tiêu, công nghệ nuôi trồng thủy sản theo kỹ thuật Israel.

Khô hạn trên cánh đồng Vũng Liêm (ảnh chụp tháng 4/2016).Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Khô hạn trên cánh đồng Vũng Liêm (ảnh chụp tháng 4/2016).Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Theo Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, tình hình khí tượng thủy văn mùa khô năm nay ở Vĩnh Long và khu vực ĐBSCL có những bất thường và gay gắt hơn những năm trước: mưa chấm dứt sớm, tổng lượng giảm hụt đáng kể, mực nước chân triều giảm thấp, mặn xâm nhập lên cao mức kỷ lục kéo dài và gay gắt, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt xảy ra nghiêm trọng. Đây là năm đầu tiên Vĩnh Long công bố thiên tai.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp- PTNT, ước tổng thiệt hại do hạn, mặn toàn tỉnh là gần 252 tỷ đồng.

Ths. Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong ứng phó với xâm nhiễm mặn. Cụ thể, còn nhiều diện tích sản xuất có thể thiếu nước trong những ngày triều thấp, đóng cống ngăn mặn (khoảng 25.000- 30.000ha đất ruộng thường bị hạn, thiếu nước).

Các nhà máy, trạm cấp nước nông thôn bị động trong khai thác nguồn nước vì hầu hết kinh, rạch đều hở, không trữ được nước ngọt, nước bị nhiễm mặn vẫn khai thác cấp sử dụng (trên 3‰) trong những ngày độ mặn sông rạch lên cao.

Trong khi đó, các công trình ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt cho vùng Nam Mang Thít theo quy hoạch chưa được đầu tư kịp nên khả năng ngăn triều, ngăn mặn và dẫn ngọt rất hạn chế.

Các cống lớn như Vũng Liêm, Tân Dinh, kinh Ngã Hậu Mây Phốp, kinh Cái Cá Mây Tức, đê bao sông Măng chưa được xây dựng, các vàm sông nối với sông Măng đều hở. Hiện việc ngăn triều, mặn chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kinh cấp I, cấp II và các cống nhỏ trên đê bao.

Mặt khác, nhiều kinh, rạch nội đồng, trong vùng đê bao bị bồi lắng, các huyện thiếu kinh phí nạo vét nên khả năng cấp nước, trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt rất thấp (hiện chỉ có khả năng cấp từ 5- 10 ngày trong những ngày đóng cống ngăn mặn, nếu kéo dài từ 15- 30 ngày là không đủ nước).

Song song đó, một số nơi chưa biết, chưa rõ về thông tin, diễn biến xâm nhập mặn nên dẫn nước mặn vào ruộng, tưới cây trồng. Trong khi tổ chức hỗ trợ, khắc phục hậu quả còn chậm do kinh phí hạn chế.

Theo TS. Shmulik Friedman- chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học đất, nước và môi trường (ARO) thuộc Trung tâm Vocalnic (Israel), Israel phần lớn là sa mạc, lượng mưa hàng năm rất ít.

Hiện Israel mở rộng khả năng cung cấp các nguồn nước sạch phi tự nhiên như: sử dụng nước thải qua xử lý và nước mặn trong nông nghiệp; sản xuất nước sạch từ các nguồn nước không sạch- khử mặn. Theo đó, 50% lượng nước dùng cho hoạt động tưới là nước thải đã qua xử lý.

Trong đó, 20% diện tích đất được tưới phun mưa và 80% được tưới nhỏ giọt, trong nhiều trường hợp việc bón phân được kết hợp cùng hoạt động tưới… Tại hội thảo, một số doanh nghiệp Israel đã giới thiệu sản phẩm, công nghệ, nhu cầu tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

Công ty Amiad chuyên về xử lý nước và lọc nước, dành cho ngành tưới, các ngành công nghiệp tại địa phương, ngành dầu khí...

Các công nghệ lọc nước và thương hiệu chính của Amiad là công nghệ: lọc nước bằng màng, bằng đĩa lọc và công nghệ lọc nước micofiber. Theo đại diện công ty, đây là những công nghệ lọc nước hàng đầu đã được kiểm chứng.

Trong khi đó, Công ty Metzerplas- chuyên cung cấp các sản phẩm tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới hoàn toàn cho nông nghiệp (cánh đồng và vườn cây ăn quả), nhà xanh, sân vườn và cảnh quan.

Đại diện Công ty Metzerplas cho biết: Mỗi hệ thống được thiết kế riêng theo điều kiện khu vực, khí hậu, loại mùa vụ và theo yêu cầu cụ thể của khách hàng.

Còn Công ty Aqualifenet thì giới thiệu hệ thống tái chế nước sử dụng trong nuôi trồng thủy hải sản. Aqualifenet là một mô hình trang trại nuôi cá cộng đồng được thiết kế để hỗ trợ thêm thu nhập cho các hộ nông dân tại những nước đang phát triển.

Mô hình này sử dụng công nghệ lọc nước tiên tiến nhất nhằm tăng sản lượng cá trong thời gian ngắn hơn và tốn ít nguồn lực hơn. Công ty Bermard ATC Supply với các mảng kinh doanh hệ thống tưới, nhà kính, xử lý và cung cấp nước sạch.

Đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà sản xuất thiết bị từ Israel, được biết đến như là những đơn vị dẫn đầu về công nghệ ngành nước trên thế giới, với những thế mạnh đặc biệt trong việc khử mặn”...

Sau phần tự giới thiệu của các công ty, hội thảo dành thời gian kết nối doanh nghiệp Isarel với doanh nghiệp Việt Nam, với các dự án của các tỉnh ĐBSCL trong ngành nước, xử lý nước, lọc nước, công nghệ tưới tiêu, công nghệ nuôi trồng thủy sản theo kỹ thuật Israel.

Trước tình hình khô hạn và xâm nhiễm mặn tại Vĩnh Long và cả ĐBSCL, Ths. Nguyễn Văn Liêm đề nghị các công ty, doanh nghiệp Israel hợp tác và hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong việc đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn và xâm nhiễm mặn theo hình thức liên vùng ĐBSCL.

Nhất là cần có kinh phí hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ những bài học về xây dựng các chương trình dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hỗ trợ đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Cụ thể, phía các doanh nghiệp Israel giúp cho vùng ĐBSCL và Vĩnh Long các trang thiết bị trữ nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất, thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn trái và rau màu.

Những cách khai thác và sử dụng nước như hỗ trợ hệ thống xử lý nước mặn hoặc các đê bao ngăn mặn và kỹ thuật sản xuất trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn.

TUYẾT HIỀN