Tận dụng "chất thải" nông nghiệp

Cập nhật, 08:11, Thứ Tư, 30/03/2016 (GMT+7)

Ở xứ mình, nông nghiệp trồng trọt vốn phát triển từ lâu đời, nhưng việc ý thức tận dụng nguồn nguyên liệu tái sinh chưa được chú ý lắm. Thí dụ như ngày xưa rơm rạ thì gom lại đốt sau mỗi vụ thu hoạch. Trong khi nguồn rơm rạ này có thể tận dụng làm thức ăn gia súc, trồng nấm, phân sinh học...

Gần đây, rơm đã... lên đời, được thu hoạch bằng công nghệ máy móc nhập ngoại, giá tăng vùn vụt.

Trong những năm gần đây, nông thôn mình phát triển mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ, hoặc phát triển thành những đàn trung bình, nông trại có đầu tư kỹ thuật cao. Nhưng Hai Lúa tui thấy bà con mình chưa tận dụng hết giá trị kinh tế của nguồn phân thải từ chuồng trại. Trừ một số trang trại có đầu tư lớn theo công nghệ nước ngoài, thì có khâu thu gom đàng hoàng, có đầu ra nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia như chăn nuôi heo và bò, thì thiệt tình là chưa được quan tâm lắm, trong khi chất thải ra từ các chuồng trại gây ô nhiễm, ảnh hưởng nguồn nước kinh rạch, ảnh hưởng những hộ xung quanh nhiều lúc gây mất tình nghĩa xóm giềng.

Nhất là vào mùa nắng hạn như lúc này, vấn đề ô nhiễm càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, địa phương mình đã và đang triển khai chương trình sử dụng nguồn nguyên liệu khí sinh học (Biogas), nhiều bà con cho rằng chỉ cần một chuồng heo 5- 6 con heo là có thể sử dụng nguồn chất đốt thừa thải cho gia đình.

Mà chương trình này còn được sự hỗ trợ của địa phương, nhằm giúp bà con giảm nhẹ số tiền đầu tư ban đầu. Thiết nghĩ, cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp tối ưu, khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh việc tuyên truyền, để đưa việc tận dụng nguồn nguyên liệu khí sinh học càng trở nên rộng rãi hơn. Vừa tiết kiệm, vừa có thể cải thiện môi trường ô nhiễm do chăn nuôi.

Hailua@.com