Để nữ công nhân hội nhập, khẳng định vai trò

Cập nhật, 08:10, Thứ Ba, 08/03/2016 (GMT+7)

Đội ngũ nữ công nhân lao động (CNLĐ) trong thời đại công nghiệp hóa- hiện đại hóa đã có nhiều thuận lợi hơn về chế độ chính sách, được mở ra nhiều thời cơ, vận hội mới tiếp cận công nghệ hiện đại để hội nhập từng bước vươn lên, khẳng định vị thế, vai trò và thiên chức của người phụ nữ.

Ông Huỳnh Bá Long- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà tết cho công nhân Tỷ Xuân trong chương trình “Vui tết sum vầy 2016”.
Ông Huỳnh Bá Long- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà tết cho công nhân Tỷ Xuân trong chương trình “Vui tết sum vầy 2016”.

Phụ nữ được quan tâm với nhiều chế độ

Công ty TNHH Tỷ Xuân có gần 16.000 CNLĐ nữ, chiếm gần 83,6% CNLĐ của công ty. Theo bà Lâm Thị Ngọc Hà- Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS), Trưởng Ban Nữ công:

“Đây là lực lượng hùng hậu để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Qua đó, cũng tạo điều kiện cho phong trào nữ công phát triển mạnh mẽ, các chế độ chính sách cho chị em nữ như: chế độ nghỉ thai sản, BHXH, BHYT, BHTN, tiền lương, tiền thưởng, tăng ca, phụ cấp,... đều được thực hiện đạt kết quả tốt”.

Cùng phấn đấu đạt thành tích chung của cả nước và của tỉnh nhà nói riêng, thời gian qua, nữ CNLĐ của Công ty TNHH Tỷ Xuân luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Qua phong trào thi đua, có trên 85% chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc công ty, đảm việc nhà”, được UBND tỉnh tặng bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010- 2015.

Năm qua, Ban Nữ công đã kết hợp với Công đoàn và Ban Giám đốc công ty giải quyết chế độ chính sách cho gần 1.300 chị, đã thành lập 39 tổ thực hiện nhiều nội dung kiểm tra liên quan đến hợp đồng, chế độ bảo hiểm, chính sách về lao động nữ.

Tổ chức thăm hỏi, ốm đau, trợ cấp, hiếu hỉ cho 1.150 lượt CNLĐ nữ với số tiền gần 313 triệu đồng. Tổ chức 155 cuộc tập huấn an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho gần 35.900 nữ CNLĐ. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 15.500 lượt nữ CNLĐ với số tiền trên 367 triệu đồng.

Hiện, đội ngũ cán bộ trong công ty là 994 người. Trong đó, tới 644 lao động nữ. Có 6 chị là ủy viên BCH Công đoàn. Trong năm, đã phát triển 8 đảng viên nữ, nâng tổng số đảng viên nữ hiện là 18/71 người.

Ông Nguyễn Văn Trí- Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Tỷ Xuân cho biết, công tác chăm lo cho nữ CNLĐ tại công ty được thực hiện khá tốt thông qua các hoạt động tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa, nữ CNLĐ từ lúc mang thai 7 tháng đến sinh con tròn 1 tuổi được nghỉ làm sớm 1 giờ so quy định.

Mỗi tháng, công ty còn hỗ trợ 100.000đ cho nữ CNLĐ có con nhỏ dưới 6 tuổi. Mỗi CNLĐ còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 600.000 đ/tháng. Thu nhập bình quân của chị em đạt 4,5 triệu đồng/tháng.

Chị Bùi Thị Thùy Linh (28 tuổi) làm ở đây được 5 năm cho biết: “Lương của tôi khoảng 4 triệu đồng/tháng, làm ở đây được thuận lợi là có tiền cho con nhỏ, được về sớm 1 giờ, mỗi tháng còn được 600.000đ tiền hỗ trợ cuộc sống. Chị em ở đây rất phấn đấu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao tay nghề, tập làm các công đoạn của nhau để có thể phụ giúp nhau trong công việc”.

Có cơ hội hội nhập, tiếp cận công nghệ mới

Để nâng cao tay nghề cho chị em, công ty thường xuyên tổ chức đào tạo tại chỗ. Đối với công nhân có thâm niên làm việc từ 4- 5 năm, công ty còn chú trọng đào tạo lực lượng công nhân đa năng, có thể am hiểu và đảm nhiệm nhiều phần việc khác nhau.

Từ năm 2008 đến nay, công ty còn áp dụng công nghệ sản xuất mới theo mô hình LEAN. Nếu như trước đây, lao động chân tay là chủ yếu, nay chị em đã có thể tiếp cận công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là may theo lập trình với các loại máy móc hiện đại giúp tiết kiệm vải, tăng năng suất và tiết kiệm nguyên liệu, nhân công.

Nguyễn Thị Thùy Linh- một nữ công nhân trẻ mới vào nghề nhưng rất thạo may lập trình- chia sẻ:

“Khi mới vô làm, em được cán bộ đào tạo nghề tại chỗ, học hỏi cách may lập trình theo công nghệ mới. Qua hơn 1 năm làm việc, em đã thạo việc. May theo lập trình trên máy đòi hỏi phải tỉ mỉ, tập trung hết sức vào thao tác. Khi có thời gian, em còn học làm các máy khác để có thể làm tốt vai trò một công nhân đa năng”.

Để công tác nữ công đạt kết quả tốt, bà Lâm Thị Ngọc Hà cũng cho rằng, công đoàn cấp trên cần quan tâm đào tạo lực lượng cán bộ nữ công cơ sở chuyên sâu về nghiệp vụ công đoàn, nhất là các cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Tuy nhiên, nhiều nữ CNLĐ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế- nhất là về kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ và do xuất thân từ nông thôn chưa quen với tác phong công nghiệp nên ý thức tổ chức kỷ luật còn chưa tốt”- nên theo ông Nguyễn Văn Trí- để phụ nữ đáp ứng yêu cầu làm việc trong giai đoạn mới, chị em cần có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, chấp hành nội quy công ty, có trách nhiệm với công việc, biết ứng xử văn hóa trong doanh nghiệp, am hiểu kiến thức về pháp luật để thực hiện tốt và tự bảo vệ mình.

Do yêu cầu về năng lực và trình độ khi tuyển dụng nên nữ CNLĐ hiện nay có bước tiến rõ rệt, tiếp cận khoa học công nghệ nhanh chóng. Năng suất lao động hàng tháng đạt và vượt so chỉ tiêu. Đối với những chức danh trước đây chỉ có người nước ngoài đảm nhiệm thì giờ đây, nhiều nữ CNLĐ Việt Nam đã thể hiện năng lực hoạt động tốt, được bổ nhiệm chức phó chủ nhiệm xưởng, kế toán trưởng...

 

Hàng năm, tỉnh Vĩnh Long có trên 95% nữ CCVC-CNLĐ đăng ký thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Qua bình xét đều đạt tỷ lệ cao trên 90% và năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng kết 5 năm (2010- 2015), các cấp công đoàn trong tỉnh đã khen thưởng cho 183 tập thể và 5.552 cá nhân.

Bài, ảnh: YẾN- TƯƠI