Để bao phủ BHYT toàn dân

Cập nhật, 07:41, Thứ Sáu, 30/10/2015 (GMT+7)

 

Ngoài các đối tượng diện chính sách, đối tượng là hộ cận nghèo phải có BHYT 100% theo kế hoạch cuối năm nay.
Ngoài các đối tượng diện chính sách, đối tượng là hộ cận nghèo phải có BHYT 100% theo kế hoạch cuối năm nay.

BHYT cho người trong hộ gia đình, đối tượng người dân làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp, học sinh sinh viên và người dân hộ cận nghèo... là 4 nhóm đối tượng cần tập trung khai thác, phát triển để đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT tỉnh cuối năm nay.

Tại dịp sơ kết công tác BHYT toàn dân tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kiêm Trưởng BCĐ công tác BHYT toàn dân tỉnh Vĩnh Long- đặt ra yêu cầu này với cơ quan BHXH, ngành y tế cùng phối hợp với các sở ngành đoàn thể, chính quyền các địa phương để đạt mục tiêu bao phủ BHYT 71% đến cuối năm nay.

Cơ quan BHXH tỉnh Vĩnh Long cho biết, độ bao phủ BHYT toàn dân tỉnh đến nửa năm nay đạt 67,3%, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2014, nhưng giảm 0,8% so thời điểm cuối năm qua.

Nguyên nhân do đối tượng được nguồn ngân sách và cơ quan BHXH đóng BHYT giảm 30.899 người (2,96% tổng dân số tỉnh), bao gồm đối tượng người nghèo (26.693 người), cận nghèo (3.929 người) và số ít đối tượng thất nghiệp.

Song song đó, đối tượng hộ gia đình cận nghèo (theo Quyết định 797 của Thủ tướng Chính phủ, được hỗ trợ 90% mức đóng BHYT) tham gia BHYT còn thấp, toàn tỉnh mới đạt 48,9%. Học sinh, sinh viên tham gia BHYT đến hết học kỳ II năm học rồi (2014- 2015) chỉ 87,47%, tăng chậm và còn thấp so yêu cầu.

Riêng 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm trên bao phủ BHYT bình quân 63,4%, giảm hơn 7% so cùng kỳ 2014. Dẫu vậy, việc rút kinh nghiệm để tăng độ phủ BHYT ở các địa bàn này chưa kịp thời.

Tỷ lệ này ít nhiều kéo tỷ lệ BHYT chung cả tỉnh giảm. Và có thể nói ảnh hưởng đến việc công nhận chuẩn quốc gia y tế xã- một trong các tiêu chí để một địa bàn xã được công nhận khi đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy vậy, cập nhật đến gần hết quý III năm nay, tỷ lệ bao phủ BHYT tỉnh đã đạt 68,9%, tương đương 717.472 người dân có thẻ BHYT. Số này cao nhất từ trước đến nay sau các lần “trồi sụt”, từ khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2015.

Chỉ tiêu kế hoạch năm nay, BCĐ công tác BHYT toàn dân tỉnh Vĩnh Long quyết tâm thực hiện đạt 71% dân số tỉnh có BHYT.

Trong đó 2 địa phương có tỷ lệ BHYT cao hơn tỷ lệ cả tỉnh là TP Vĩnh Long phải đạt 90% và huyện Trà Ôn cần đạt 75%.

Riêng từng đối tượng tiềm năng cần nỗ lực đạt bao phủ BHYT so số hiện tại như sau: đối tượng lao động ở doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài nhà nước cuối năm đạt 70% (56,62%); học sinh, sinh viên cuối năm tối thiểu đạt 95% trở lên (87,47%); người hộ cận nghèo tham gia BHYT đạt tối thiểu 90% trở lên (68,46%); đối tượng hộ gia đình bình quân 1.600 người/xã- phường (hiện tại 1.400 người/xã- phường); các đối tượng chính sách được cấp BHYT 100% (99,35%).

Riêng chỉ tiêu BHYT cho người dân hộ gia đình cận nghèo theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc quản lý BHXH tỉnh Vĩnh Long- chỉ tiêu này được điều chỉnh từ 90% lên 100% vào cuối năm nay.

Từ nguồn tài trợ của Tổ chức EU khoảng 5,5 tỷ đồng, cơ quan BHXH ước năm nay sẽ cấp thẻ BHYT cho đối tượng này với giá trị khoảng 2,7 tỷ đồng. Số còn lại tiếp tục hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho họ trong năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ công tác BHYT toàn dân tỉnh Vĩnh Long- cho rằng các ngành cần bám sát các chủ trương, chính sách để cụ thể hóa các nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân năm nay, năm tới, đến 2020 của Trung ương và địa phương.

Việc gì có thể tự giải quyết thì 2 ngành chủ đạo là BHXH và y tế cùng ngồi lại cùng giải quyết, rút kinh nghiệm và sẵn sàng học hỏi những cách làm hay để áp dụng khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung còn mới mẻ đặt ra.

Đừng để cái khác biệt, đặc thù mang tính địa phương mình làm khó mình. Cần linh hoạt để người dân được thụ hưởng BHYT kịp thời, đầy đủ.

 

Một vị lãnh đạo BCĐ công tác BHYT toàn dân có nói: Tính bắt buộc trong tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân không phải là phải có chế tài để “bắt buộc” người dân tham gia BHYT, mà là làm cho họ thấy quyền lợi, nghĩa vụ nhằm đồng thuận với cơ quan quản lý nhà nước về chính sách để tham gia BHYT.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI