Mỹ Hòa anh hùng và giàu đẹp

Cập nhật, 06:45, Thứ Ba, 03/02/2015 (GMT+7)

Từ trước năm 1930, một số người dân Mỹ Hòa thông qua các mối quan hệ người thân, đã có móc nối với tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Cần Thơ, Bình Thủy, Ô Môn,... Đó là tiền đề cho nhiều tổ chức cách mạng hình thành. Đến năm 1936, chi bộ Đảng đầu tiên của Mỹ Hòa đã ra đời tại chùa Bồ Đề.

79 năm qua, tin Đảng, một lòng theo Đảng đã trở thành truyền thống, từ đó người dân Mỹ Hòa cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Ông Ba Tâm (trái) và ông Hai Diềm nhắc lại chuyện thời kháng chiến.

Truyền thống anh hùng cách mạng

Mỹ Hòa là dải đất cù lao xanh bên bờ sông Hậu. Nhìn lên bản đồ, có thể ví như chiếc thuyền lớn chở đầy hoa trái mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho đất và người nơi đây. Nhưng lịch sử bắt đầu là vùng đất hoang hóa, nê địa, những ngày đầu khai phá với biết bao hiểm nguy, gian nan, cơ cực để đổi lấy chén cơm, manh áo.

Rồi thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, người dân chịu thêm cảnh áp bức của cường hào, ác bá. Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, người dân Mỹ Hòa một lòng kiên trung, giữ vững niềm tin dưới ánh sáng soi đường của cách mạng đấu tranh.

Do đó, mỗi vàm sông, con rạch, ngọn kinh, mỗi góc vườn, xóm ấp đều gắn với những câu chuyện “xương trắng, máu đào” nhuộm thắm quê hương.

Một ngày cùng ông Lưu Văn Tâm (Ba Tâm)- nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Minh, về thăm Mỹ Hòa, nghe lại chuyện xưa cùng những tên đất, tên sông rặt ròng Nam Bộ: Từ Tải, Cái Ngươn, Cái Chàm, Cô Chung, rạch Tra, rạch Chanh, rạch Chùa, tắc Ông Phò, tắc Bà Bầu, xẻo Tre, cồn Công, cồn Sừng,...

Là người con của Mỹ Hòa, lớn lên chiến đấu gắn bó cùng vùng đất quê hương, ông Ba Tâm thân thuộc đến nỗi nằm lòng từng trận đánh, địa bàn, nhất là giai đoạn ông làm Bí thư Chi bộ Mỹ Hòa, chỉ đạo đồng thời 2 xã Mỹ Hòa và Đông Thành trong những năm ác liệt của thời đánh Mỹ.

Theo con đường đan thông thống cho xe 4 bánh, đi qua những vườn bưởi Năm Roi mát rượi, trĩu quả, chúng tôi về vàm Cái Chàm (ấp Mỹ An) nơi đã xảy ra sự kiện “Hoàng Thái Hiếu” năm 1971, tại cuộc họp cấp tỉnh, cấp Khu ủy bàn kế hoạch chỉ đạo phong trào cách mạng, bị địch đổ quân vây chặt khui hầm, ta hy sinh 3 đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy.

Trận đó, ông Ba Tâm có mặt từ đầu cảnh giác vòng ngoài. Ông Hai Diềm, dân Mỹ An, gia đình nuôi chứa, bản thân ông tham gia từ thời chống Pháp, ở tuổi 93 ông vẫn còn minh mẫn và nhớ rõ sự kiện này.

Đó là thời kỳ cơ sở cách mạng Mỹ Hòa phát triển rất mạnh, trở thành căn cứ của Tỉnh ủy, trạm giao bưu B10 của Khu ủy, lòng dân kiên trung, chiến sĩ gan dạ mưu trí, nắm chắc địa bàn, nhưng nhận định thất bại là do gián điệp chỉ điểm.

3 đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long hy sinh là: Trần Thành Long (Bảy Hoàng), Trần Thái Bửu (Ba Thái), Nguyễn Văn Phấn (Sáu Hiếu) và Nguyễn Văn Khá (Sáu Lành)- Trưởng Ban căn cứ Tỉnh ủy. Đây là thiệt hại nghiêm trọng của phong trào cách mạng tỉnh Vĩnh Long. Sau trận này, ta ráo riết điều tra, bắt giữ nhiều tên mật thám, gián điệp, chỉ điểm.

Nhân dân Mỹ Hòa tin Đảng, một lòng bảo vệ Đảng ngay trong thời kỳ khó khăn nhất. Với địa thế kề sông Hậu, sát nách căn cứ địch nhưng căn cứ của du kích Mỹ Hòa, của Huyện ủy Bình Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long, của đường giao bưu vận B10, của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Khu ủy Khu 9 vẫn tồn tại vững chắc và duy trì hoạt động hiệu quả. Bởi lẽ ở Mỹ Hòa có một căn cứ rất lớn, đó là “căn cứ của lòng dân”.


Bia tưởng niệm Hoàng Thái Hiếu.

Phát triển vườn đặc sản

“Các thế hệ cha anh đã đổ xương máu ngay trên mảnh đất này, tiếp nối truyền thống cách mạng, Đảng bộ Mỹ Hòa ngày nay có nhiệm vụ làm cuộc sống người dân ngày càng khá hơn, giàu hơn”- ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa khẳng định.

Theo ông thì xã đã cơ bản chuyển đổi sang kinh tế vườn mà chủ lực là cây bưởi Năm Roi có giá trị kinh tế cao. Toàn xã Mỹ Hòa hiện có khoảng 1.300ha trồng bưởi, mỗi hecta năng suất hơn 20 tấn trái/năm, cung ứng hàng chục ngàn tấn bưởi ra thị trường mỗi năm.

Sau khi được UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ kinh phí tái chứng nhận GlobalGAP, từ giữa năm 2013, HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã tiến hành khảo sát và có khoảng 40 hộ có nhu cầu tham gia trở lại sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên khoảng 30ha. Song song đó, HTX cũng đã thuê một số đơn vị tư vấn đánh giá, thẩm định các tiêu chuẩn để tái chứng nhận.

Những ngày này, bưởi Mỹ Hòa đang “phát sốt” theo giá ngày cận tết do nhu cầu tăng cao. Vườn bưởi 6,5 công của anh Tùng dự tính bán đợt tết khoảng 2,5 tấn, song thương lái trả 45.000 đ/kg, nên anh chưa chịu bán.


Vườn bưởi Năm Roi của anh Tùng.

Còn đợt bưởi tháng 4 tới dự tính không dưới 20 tấn, đây là vườn bưởi đạt năng suất khá cao do đang áp dụng kỹ thuật phun thuốc và dưỡng phân theo quy trình mới. Cả vườn không bị sâu đục trái, vỏ trái láng, đẹp, mỗi chùm cho từ 3- 4 trái, nên phải chiết bỏ bớt.

Ông Trương Văn Lợt cho rằng, với diện tích bưởi phát triển khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp, đã giúp cho thu nhập người dân tăng dần, hiện nay đã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới, Mỹ Hòa đang “vướng” cái khó nhất là tiêu chí trường học, với 6 điểm trường trên địa bàn, để đầu tư đạt chuẩn phải cần đến khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khó ở tiêu chí môi trường; trật tự, an toàn xã hội...

Ông Ba Tâm thì nhớ lại hồi kháng chiến, chỉ mong độc lập dưới sông tàu ghe đi lại thông thương, trên bờ có điện là sướng lắm rồi; không ngờ quê hương mình đổi thay nhanh quá.

Đó là Mỹ Hòa biết phát huy truyền thống, phát huy trí tuệ, tài năng biến tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho quê hương mình thành vùng đặc sản nổi tiếng. Và trên hết là mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân Mỹ Hòa như máu thịt, không gì lay chuyển được.

Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, người dân Mỹ Hòa một lòng kiên trung, giữ vững niềm tin dưới ánh sáng soi đường của cách mạng đấu tranh. Do đó, mỗi vàm sông, con rạch, ngọn kinh, mỗi góc vườn, xóm ấp đều gắn với những câu chuyện “xương trắng, máu đào” nhuộm thắm quê hương.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG