XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Nhiều giải pháp gỡ khó cho Vĩnh Long

Cập nhật, 07:22, Thứ Tư, 24/09/2014 (GMT+7)

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Vĩnh Long về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó có đề cập đến việc Vĩnh Long triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).


Đưa cơ giới vào sản xuất có tác dụng chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.

Cần cơ chế phù hợp

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá Vĩnh Long đã xây dựng được hệ thống BCĐ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM từ tỉnh đến xã và triển khai theo đúng chương trình của BCĐ Trung ương.

Đặc biệt, dù ngân sách có khó khăn nhưng tỉnh đã rất quan tâm và dành nguồn đầu tư lớn cho xây dựng NTM khá cao so với nhiều địa phương khác, nhất là trong 2 năm 2013, 2014.

Kết quả, Vĩnh Long đã đạt được bình quân 10,5 tiêu chí (TC)/ xã, cao hơn trung bình cả nước 2 TC (8,5 TC), có 4 xã đạt 19 TC. Vĩnh Long nằm trong một nửa số tỉnh- thành có xã đạt được 19 TC NTM. Thời gian tới, ông đề nghị tỉnh cần triển khai thực hiện chương trình quyết liệt hơn, và thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình.

Trong đó BCĐ các cấp cần quan tâm việc hỗ trợ cho các ấp và hộ gia đình để triển khai thực hiện các chỉ tiêu về trách nhiệm của ấp và hộ gia đình. Theo ông, trong 19 TC gồm có 39 chỉ tiêu, mà 20 chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của xã; 12 chỉ tiêu thuộc về trách nhiệm của thôn- ấp; còn lại thuộc trách nhiệm của hộ gia đình.

Trong đó, đặc biệt cần quan tâm hỗ trợ việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập hộ dân- chỉ tiêu khó nhất nhưng rất cần thiết để phát triển một cách bền vững.

Vĩnh Long cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế phù hợp với hoàn cảnh thực tế, triển khai chương trình hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở tỉnh Thái Bình là có chương trình hỗ trợ xi măng, có định mức (đường liên ấp rộng 3m đổ bê tông dày 15cm, dài bao nhiêu mét nhân theo tỷ lệ chuẩn của ngành giao thông).

Xã nào làm thì đăng ký số kí lô mét rồi lên nhận xi măng về (chỉ cần 1 chữ ký là xong) bà con tự làm. Như vậy, trong thời gian ngắn toàn tỉnh Thái Bình đã làm khoảng 700km đường. Bây giờ, lượng xi măng toàn tỉnh đăng ký làm đường lên tới 6- 7 trăm ngàn tấn.

Các xã đua nhau làm, khí thế tại các thôn rất sôi động. Cũng áp dụng cơ chế tương tự, trong thời gian một năm rưỡi, tỉnh Tuyên Quang làm được 1.000km đường (là tỉnh nghèo, nhưng lãnh đạo tỉnh cân đối ngân sách, liên kết với các nhà máy xi măng)- một cơ chế rất hay.

Gỡ khó cho Vĩnh Long

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị nhiều vấn đề với đoàn công tác và được Bộ trưởng lưu ý chỉ rõ một số giải pháp tháo gỡ.

Việc kiến nghị tăng kinh phí hỗ trợ cho chương trình đối với tỉnh, Bộ trưởng rất hiểu và chia sẻ với Vĩnh Long là không thuộc diện hỗ trợ ưu tiên nào; ông tiếp tục ghi nhận và sẽ bàn trong BCĐ Trung ương tìm cách tăng nguồn hỗ trợ cho Vĩnh Long thời gian tới.

Đối với các TC: cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, cũng như xây dựng bộ máy chuyên trách, tăng cường biên chế cho cấp huyện của chương trình này, Bộ trưởng ghi nhận và tổng hợp báo cáo với BCĐ Trung ương, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi lại bộ TC cho phù hợp hơn.

Riêng về TC cơ sở vật chất văn hóa, theo Bộ trưởng, nhiều nơi nhà văn hóa xã làm rất to, tốn rất nhiều tiền nhưng ít sử dụng, trong khi đó nhà văn hóa ấp lại được, nó như trụ sở của ấp. Nhiều nơi nhà văn hóa ấp rất hay, là nơi để họp chi bộ, sinh hoạt Đoàn thanh niên, hội phụ nữ.
 
Buổi chiều, thanh niên trai trẻ đến chơi thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ,… thậm chí tổ chức đám cưới tại đó. Ông khẳng định, xây nhà văn hóa ấp là có hiệu quả.

Tháo gỡ kiến nghị về khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn theo Nghị định 210, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định phải có doanh nghiệp. Việc mời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, đặc biệt là khâu chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân- một khâu liên kết cực kỳ quan trọng.

Phía ngành nông nghiệp và tỉnh cần tích cực triển khai thực hiện tốt hơn, cụ thể hơn để DN gắn chặt với nông dân mang lại hiệu quả trong từng chuỗi liên kết. Và mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập cho người dân nông thôn, hoàn thiện mục tiêu xã NTM.

Muốn tăng thu nhập cho người dân nông thôn phải tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Vĩnh Long đã có đề án, có kế hoạch và thành lập BCĐ về tái cơ cấu nông nghiệp, đó là thuận lợi. Trong rất nhiều việc phải làm tới đây theo đề án, nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý Vĩnh Long nên chọn một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, xác định rõ phương hướng phát triển và những giải pháp đồng bộ để có cơ sở chỉ đạo, triển khai một cách hiệu quả.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT