Sinh viên và chuyện "chơi nhóm"

Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 30/12/2016 (GMT+7)

Từ lâu, chuyện “chơi nhóm” đã không còn xa lạ đối với các bạn trẻ, nhất là đối với sinh viên nhằm tập hợp những người có cùng sở thích và tính cách giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Thế nhưng cũng có không ít nhóm tụ tập để nói chuyện phiếm, chơi game hay nhậu nhẹt...

Bạn trẻ nên chọn bạn mà chơi để cùng nhau học tập, vui chơi lành mạnh.
Bạn trẻ nên chọn bạn mà chơi để cùng nhau học tập, vui chơi lành mạnh.

Chơi nhóm vì “họp gu”

Dù học chung ngành chung lớp 3 năm nay nhưng Thu Hương chỉ “biết tên chứ không chơi thân” với một số bạn và chưa nói chuyện bao giờ. Là bởi khi mới bước chân đến giảng đường, Hương đã tìm cho mình những người bạn hợp sở thích để kết thân.

Nhóm Hương có 4 người, tuy đến từ các tỉnh khác nhau nhưng từ việc học hành hay bất cứ chuyện gì khác, các bạn đều kè kè bên nhau.

Theo Hương, việc chơi nhóm rất có lợi vì có thể san sẻ được chi phí ở trọ, ăn uống… Không chỉ vậy mà các bạn còn động viên nhau học tập, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống xa nhà.

Nhóm bạn thường có những điểm chung như cùng quê, cùng học giỏi, cùng sở thích hay mê thể thao. Nhưng cũng có một số ít nhóm thích đi chơi, thích chơi game hay quậy phá.

Bạn Diễm Phúc- sinh viên năm 4 cho hay, lớp mình có hơn 100 người, học theo tín chỉ nên những môn đại cương thì “chia 5 xẻ 7”. Đến các môn chuyên ngành mới có cơ hội ngồi học với nhau.

Ban đầu họp lại có nhiều bạn chưa thân thiện lắm. Thế nhưng, từ từ các bạn cũng hiểu nhau, gần gũi hơn. “Mỗi nhóm mỗi đặc điểm khác nhau như hát hay, học giỏi, thích công tác xã hội... nên các bạn có thể học hỏi lẫn nhau để hoàn thiện mình hơn”.

Sẽ rất hoan nghênh nếu các bạn cùng một nhóm giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống, cùng nhau tham gia những hoạt động văn nghệ, thể thao, công tác xã hội…

Nhưng điều đáng nói là vẫn có một số nhóm sinh viên rủ rê nhau la cà quán xá, bỏ bê việc học hành. Bạn Nguyễn Thị T. cho biết: Lớp mình cũng có vài bạn hay trốn học đi chơi, nhiều khi còn nhậu nữa. “Năm cuối rồi mà mấy bạn đó không chịu học thì sao có kết quả tốt được”.

Chơi với nhau rất thân nên nhóm của Hồng C. có đồng phục riêng. Từ quần áo, nón, dép, kiểu tóc... đều giống nhau để “cá tính” hơn.

“Để có đồng phục, nhóm rủ nhau đi làm thêm để sắm sửa chứ không phung phí tiền cha mẹ. Tụi em còn tổ chức học nhóm để làm bài tập chung, cùng tham gia các hoạt động tình nguyện”- Hồng C. chia sẻ.

Chọn bạn mà chơi

Đa số các bạn trẻ đều cho rằng, chơi theo nhóm là chuyện bình thường nếu như tìm được những người bạn tốt. Bởi “bạn bè sẽ cùng động viên nhau học tốt hay lúc mình ốm đau, nhớ nhà hay “kẹt tiền” cũng có người chia sẻ”- bạn Văn Hiệp sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết.

Hiệp cũng cho rằng, phải biết “giao lưu” nhóm này với nhóm khác để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Khi có việc của lớp thì các bạn phải hòa mình vào việc chung chứ đừng hoạt động riêng lẻ, vì sẽ không vui chút nào...

Mặc dù mỗi sinh viên được chủ động chọn thời khóa biểu, được chọn bạn có cùng sở thích, quan điểm để chơi theo nhóm nhưng nếu chỉ như vậy, các bạn sẽ khó hòa nhập được thế giới bên ngoài với nhiều gam màu mới mẻ, bổ ích.

Nhưng làm thế nào để các bạn có thể hòa nhập vào tập thể được cho là “muôn màu muôn vẻ” này? Theo bạn Thanh Xuân, những ngày đầu tiên đến giảng đường, tân sinh viên thường hay bỡ ngỡ vì trường mới, bạn mới, hoàn cảnh sống cũng mới.

“Vì vậy tự mỗi người phải tích cực chủ động tạo mối quan hệ với bạn bè, tham gia các hoạt động của lớp và các hoạt động của Đoàn- Hội. Đặc biệt, các bạn không nên chơi nhóm riêng cá biệt, chơi bời, quậy phá... vậy thì không tốt”- Xuân nói.

ĐH là môi trường đầu tiên để bạn trẻ trang bị những kiến thức và hành trang chuẩn bị bước vào đời. Vì vậy, bạn trẻ nên hòa mình vào cuộc sống xung quanh, sống chan hòa với tập thể để học hỏi, trải nghiệm những điều thú vị. Các bạn nên “chọn bạn mà chơi” để cùng nhau học tập tiến bộ, vui chơi lành mạnh, bạn nhé!

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY