Nâng chất lượng giáo dục- "trái ngọt" từ những người thầy

Cập nhật, 22:01, Thứ Tư, 24/11/2021 (GMT+7)

 

Thầy Tháp hướng dẫn học trò thiếu thiết bị học trực tuyến trong phòng máy tính của trường.
Thầy Tháp hướng dẫn học trò thiếu thiết bị học trực tuyến trong phòng máy tính của trường.

Nâng cao chất lượng giáo dục trước hết là nâng cao dân trí để “ai cũng được học hành”, Vĩnh Long cùng cả nước đang tiến tới những mục tiêu xa hơn, đưa đất nước ta phát triển “sánh vai với cường quốc năm châu” theo lời Bác dạy.

Sự nghiệp “trồng người” ấy không thể thành công khi vắng bóng những người thầy. Giáo viên chính là “nền tảng” đầu tiên và quan trọng nhất góp cho chất lượng giáo dục, cho tương lai đất nước thông qua bao thế hệ học trò.

Qua những câu chuyện, tấm lòng tận tụy của các Nhà giáo Ưu tú, càng trân quý hơn những người thầy đã truyền ngọn lửa đam mê học tập đến học trò. 

Kỳ 1: Những người truyền lửa sáng tạo, đam mê

 

Mang cái “nghiệp” nghề giáo của đời mình, họ đã sáng tạo những chương trình học khác nhau, đưa ra những sáng kiến chất lượng. Yêu nghề, mến trẻ, họ là những người luôn học hỏi cái mới để đáp ứng chương trình, thích nghi với từng giai đoạn của học trò để dạy các em phù hợp nhất.

Nghề cần người sáng tạo

Đến thăm Nhà giáo Ưu tú Hồ Thị Mỹ Phương- Trường TH Hòa Bình A (Trà Ôn), người đã 19 năm gắn bó với nghề, khi cô vừa hoàn thành dạy trực tuyến buổi sáng cho học trò lớp 2, lớp cô đang chủ nhiệm.

Cô Phương chia sẻ: “Tôi vừa hướng dẫn phụ huynh vào chương trình mới để các bé học trực tuyến. Phải làm sao cho tất cả học trò học tốt là trăn trở của thầy cô chúng tôi”.

Ngay cả chuyện giáo án dạy trực tuyến đã là một kỳ công với thế hệ của cô Phương “hồi mới ra trường, có biết máy tính gì đâu”.

Để dạy tốt hơn, cô Phương đầu tư thiết bị, học cách làm các bài dạy trực tuyến… Bởi “nghề giáo là nghề sáng tạo không ngừng nghỉ để thích nghi với chương trình, với học sinh”. Dạy trực tuyến đòi hỏi chương trình cô đọng dễ hiểu, để trong thời gian ngắn học sinh có thể nắm được nội dung cốt lõi.

Năm nay cô Phương dạy lớp 2- vừa thực hiện chương trình sách giáo khoa mới vừa dạy trực tuyến nên đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực để học sinh học tốt nhất có thể.

Cô Phương chia sẻ: “Không chỉ khi chương trình đổi mới thì giáo viên đổi mới theo, mà mỗi năm chúng tôi phải tự làm mới mình bằng những sáng kiến kinh nghiệm chất lượng. Với những nhóm học sinh khác nhau phải có cách hướng dẫn khác nhau”.

Theo cô Phương, dạy học trực tuyến là cả sự nỗ lực học tập, sáng tạo của giáo viên.
Theo cô Phương, dạy học trực tuyến là cả sự nỗ lực học tập, sáng tạo của giáo viên.

Về sự khó khăn của học sinh vùng bưng sẫm Hòa Bình, cô Phương nói: “Trước đây, học sinh còn nghèo, có em không có tập vở, quần áo để đi học”.

Nên cô Phương luôn đau đáu nỗi lo, học trò tiểu học mà nghỉ học thì tương lai các em sẽ về đâu khi “đọc chữ còn chưa chạy”. Vậy nên có chuyện “cô giáo trích lương lo cho học trò và nay học trò ấy học lớp 11 rồi”. Niềm vui của cô giáo đơn giản là “dạy các bé tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 bằng tình yêu của người mẹ, mình yêu học trò thì các em sẽ quý mến và nghe lời cô chăm ngoan, học giỏi hơn”.

Không chỉ cố gắng dạy tốt, cô Phương còn góp phần xây dựng và bồi dưỡng giáo viên trong khối đạt và vượt chuẩn, đáp ứng yêu cầu khi nhiệm vụ giáo viên ngày một cao hơn.

Người truyền lửa đam mê

Nhà giáo Ưu tú Ngô Đồng Tháp- giáo viên dạy Giáo dục thể chất, Trường THCS Vĩnh Xuân (Trà Ôn) đã gắn bó gần 19 năm với ngôi trường này. Thầy Tháp chia sẻ: “Quê tôi ở huyện Vũng Liêm, về đây công tác và cắm rễ luôn, giờ gia đình tôi đã ở Vĩnh Xuân này”.

Từ nhỏ thầy Tháp thích chơi các môn thể thao nên chọn học ngành Sư phạm Sinh- Thể dục. Với không ít phụ huynh và học sinh, thể dục có thể là môn phụ, nhưng đối với thầy Tháp đó là cả sự đam mê: “Làm sao để học trò khỏe hơn, cao hơn và thông minh hơn. Mỗi tiết dạy tôi điều nói cho học sinh hiểu vì sao chúng ta chọn bài tập này, nó giúp ích gì cho cơ thể chúng ta”.

Không ngừng tự học, tự rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, thầy Đồng Tháp còn tích cực dự giờ, thao giảng, hội giảng, báo cáo chuyên đề cấp tổ, cấp huyện,... Qua mỗi lần được dự giờ, thao giảng hay hội giảng, các thầy cô đồng nghiệp đã cho thầy những kinh nhiệm quý báu.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh là những cơ hội để được lắng nghe sự chia sẻ của thầy cô giám khảo, từ đó thầy Đồng Tháp học hỏi rất nhiều về phương pháp và cũng như khắc phục dần những hạn chế. “Mỗi năm, tôi đều tham gia viết một sáng kiến kinh nghiệm và áp dụng có hiệu quả trong công tác giảng dạy của bộ môn”– thầy Tháp nói.

Bên cạnh, thầy còn tích cực làm và sử dụng đồ dùng dạy học. Ngoài đồ dùng cho từng tiết dạy, thầy còn tham gia nghiên cứu làm đồ dùng dạy học dự thi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh, đạt rất nhiều giải thưởng.

Thầy Tháp dạy học một cách linh hoạt, khơi gợi trong các em sự say mê, hứng thú học tập môn thể dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khích lệ các em tham gia vào các hoạt động để tự lĩnh hội kiến thức mới. Đặc biệt, trong Hội Khỏe Phù Đổng, nhiều học sinh mà thầy hướng dẫn đã đạt giải cấp huyện.

Theo thầy Đồng Tháp, một trong những yếu tố cần thiết của người giáo viên là “cái tâm- thầy giáo tốt là người thật sự yêu nghề của mình”, ngoài trách nhiệm với nghề còn thể hiện ở tấm lòng, ở sự quan tâm, chia sẻ, bao dung, ở sự đánh giá công bằng khách quan trong giảng dạy. Trăn trở của thầy Tháp hiện nay là làm sao để các em học sinh tiếp tục đến trường để được dạy và học trực tiếp như ngày nào.

“Thể dục là môn thực hành, dạy trực tuyến là rất khó tiếp thu. Tôi cũng mong muốn có nhà đa năng để học sinh không bị ảnh hưởng khi trời mưa hay nắng gắt. Để các em có thể tham gia nhiều hoạt động thể thao hơn”- Nhà giáo Ưu tú Ngô Đồng Tháp nói.

Năm 2021, Vĩnh Long có 19 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đây là những nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục- đào tạo, được đồng nghiệp tín nhiệm. Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú được xét tặng 3 năm/lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

>> Kỳ sau: Chuyện đôi Nhà giáo Ưu tú  chọn vùng sâu

Bài, ảnh: CAO HUYỀN