Cha dượng có thể nhận con của vợ làm con nuôi

Cập nhật, 13:35, Thứ Tư, 07/02/2024 (GMT+7)

Tôi và vợ tôi về sống chung với nhau khi đó vợ tôi đã có một đứa con trai 3 tuổi. Sau khi chung sống với nhau được 5 năm, vừa qua vì bệnh nặng nên vợ tôi qua đời. Chúng tôi có với nhau một đứa con gái. Con trai của vợ tôi và con gái của chúng tôi, anh em chúng rất thương nhau.

Nếu giờ, tôi trả con trai về cho bên nội ruột của con thì tội cho anh em của các con phải xa nhau. Hơn nữa, ba ruột của con đã mất, ông bà nội, ngoại thì già yếu, sẽ khổ cho con. Tôi được bạn bè và người thân, kêu tôi nhận đứa con trai của vợ làm con nuôi luôn, để danh chánh ngôn thuận sau này anh em nó cùng một họ. Tôi băn khoăn quá, vì không biết điều này có được không?

L.V.B. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Anh B. thân mến! Như anh kể, thì hiện tại con trai của vợ anh mới 8 tuổi. Trường hợp này, anh có thể nhận con trai của vợ làm con nuôi, nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo khoản 1, Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi là: Trẻ em dưới 16 tuổi. Thậm chí, để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi nương tựa tốt nhất, điểm a, khoản 2 điều luật trên còn quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi nếu thuộc trường hợp sau đây: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi.

Theo khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

Theo khoản 3 điều luật trên: Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 điều này.

Như vậy, để thực hiện ý định trên, anh đến đăng ký tại UBND xã hoặc phường, nơi anh và con trai đang cư trú để được xem xét giải quyết.

HT tư vấn