Người làm chứng cố ý vắng mặt tại phiên tòa nếu gây trở ngại sẽ bị xử phạt hành chính

Cập nhật, 05:39, Thứ Năm, 16/03/2017 (GMT+7)

Gần đây, tôi bỗng dưng bị buộc phải làm chứng trong vụ tranh chấp tài sản. Tôi rất ngại ra tòa để thực hiện điều này vì không muốn phiền phức. Hơn nữa, một bên cũng tỏ ý đe dọa, răn đe nếu tôi làm chứng họ bị thất kiện. Trước sự việc này, tôi không ra trước tòa làm chứng có được không?

N.T.N. (TP Cần Thơ)

Trả lời: Chị nên cân nhắc kỹ về điều này, vì Điều 490 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp chị hỏi như sau:

1. Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên…

3. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.

Nếu chị bị đe dọa về việc làm chứng, chị có thể yên tâm, tại khoản 7 Điều 489 Bộ luật Dân sự quy định người nào có hành vi lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ