Hóa đơn chuyển khoản... dỏm

Cập nhật, 13:23, Thứ Sáu, 24/11/2023 (GMT+7)

Nhận được hóa đơn chuyển khoản như thật, nhiều người tin tưởng tiền đã vào tài khoản nên không kiểm tra, đến khi kẻ lừa đảo cao bay xa chạy thì đã muộn.

Xu hướng không dùng tiền mặt càng trở nên phổ biến và việc thanh toán trực tuyến cũng được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện dụng. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có hành vi làm giả hóa đơn chuyển khoản để lừa mua hàng, chuyển tiền.

Chị Q. (TP Vĩnh Long), kinh doanh các mặt hàng thời trang, khách hàng chủ yếu là mối quen hoặc thông qua bạn bè giới thiệu mà được nhiều người biết đến. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, chị mở thêm tài khoản ngân hàng để nhận chuyển khoản khi khách không có sẵn tiền mặt.

Điều này vừa thuận tiện cho việc mua bán mà những khi cần chị cũng có sẵn tiền trong tài khoản chuyển cho đại lý nhập hàng mới. Vậy mà, chị Q. không ngờ có lúc gặp phải kẻ gian diễn trò lừa đảo không ngờ. Chị Q. kể cách đây vài ngày có một người phụ nữ trung niên đến cửa hàng chị tham khảo các mẫu váy dự tiệc.

Vị khách nói có theo dõi Zalo, Facebook của chị Q. thấy nhiều quần áo đẹp nên ủng hộ. Sau khi xem qua nhiều mẫu váy, vị khách quyết định mua một chiếc váy màu hồng trị giá hơn 1 triệu đồng.

Nhưng lúc tính tiền, vị khách tỏ vẻ bối rối, vừa giơ chiếc ví bên trong có mấy tờ tiền lẻ rồi nói: “Sáng nay gấp quá chỉ mang đủ tiền chợ, nếu được chị cho em xin chuyển khoản”. Nhận thấy sự việc quá đỗi bình thường như nhiều trường hợp đã gặp, chị Q. đồng ý rồi lẹ làng đưa danh thiếp kèm theo số tài khoản.

Lúc này, vị khách lấy điện thoại “bấm bấm” và đưa chị Q. xem hóa đơn chuyển khoản, có cả tên tuổi, địa chỉ, thông tin ngân hàng và số tiền đã chuyển vào tài khoản. “Lúc này, tôi còn cẩn thận xin chụp lại hóa đơn để kiểm tra và không thấy có điều gì bất thường. Vị khách khen cô chủ dễ thương, buôn bán nhiệt tình, giá cả phải chăng, hẹn lần sau sẽ ủng hộ tiếp rồi nhanh chóng ra về”- chị Q. nhớ lại.

Vị khách này vừa đi thì vị khách khác đến, chị Q. bận đón tiếp và giới thiệu sản phẩm nên cũng quên luôn kiểm tra số dư tài khoản. Đến cuối ngày kiểm kê lại đồ đạc, tiền hàng, chị Q. mới phát hiện hụt 1 triệu đồng.

Sực nhớ trong ngày có bán và nhận chuyển khoản từ người phụ nữ mua chiếc váy màu hồng, chị Q. mở điện thoại xem hóa đơn thì thấy nhiều thông tin đã bị làm giả mà nếu không “soi” kỹ thì không thể nào phát hiện.

Xâu chuỗi lại những gì đã diễn ra, chị Q. mới vỡ lẽ, bởi những hành động của vị khách kia chỉ là cố tình tạo lòng tin, đánh lạc hướng nhằm giở trò lừa đảo.

Sự việc tương tự mà chị Q. gặp phải cũng đã được cơ quan chức năng nhiều nơi ghi nhận, bị hại chủ yếu là người bán hàng, shipper. Theo đó, hiện nay xuất hiện một số trang web giả mạo hóa đơn chuyển khoản với giao diện giống ứng dụng của ngân hàng, thậm chí có đầy đủ logo, mã giao dịch, thời gian.

Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi giao dịch chuyển khoản cần xem kỹ hóa đơn và khi tiền vào tài khoản mới tiếp tục các giao dịch khác.

Một dấu hiệu nhận biết cần chú ý là phía cuối hóa đơn chuyển khoản thì tên website lừa đảo sẽ là những tên lạ hoặc chứa ký tự lạ. Do vậy, nên cân nhắc, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện theo yêu cầu và khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ với ngân hàng để cung cấp thông tin, đề nghị hỗ trợ.

TRUNG HƯNG