Lừa cả ông chủ... trại hòm!

Cập nhật, 14:35, Thứ Ba, 22/09/2015 (GMT+7)

Sáng sớm một ngày cuối năm, chú Sáu- chủ trại hòm Sáu Quang, ở huyện Bình Tân (tên và địa chỉ nhân vật trong chuyện đã thay đổi theo yêu cầu người cung cấp thông tin) nghe cú điện thoại lạ với nội dung: ở rạch… (xã Thành Trung) vừa có cụ già mới qua đời, cần đặt mua chiếc hòm loại nhì, chủ trại chuẩn bị ghe chở, nửa giờ sau sẽ có người ra nhận hàng!

Theo lời đặt hàng, chú Sáu đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Đến 8 giờ hôm đó, có 2 người đàn ông lạ đi trên xe máy đến trại chú để nhận hàng đem về. Trong 2 người đó, sẽ có một người theo ghe, còn người kia ra về bằng xe máy vừa chạy đến. Thông thường, người đến mua hòm có để lại tiền cọc nhưng lần này thấy người mua gấp gáp, chú Sáu không nỡ mở lời. Chú nghĩ “tang gia bối rối, mình nên thông cảm!”

Ghe chở hàng rời bến. Người khách ra sau lái đến gần bên anh Ba Teo- họ hàng với chú Sáu- đang lái máy, bắt chuyện hỏi han, rồi cho biết mình là người lân cận với cụ già vừa qua đời. Lát sau, ghe ra gần chợ (xã Nguyễn Văn Thảnh), người mua hòm liền kiểm tra (phụ kiện dùng để tẩn liệm theo người quá cố) và nói với anh Ba: “Ý chết, ông chủ đưa thiếu nhang đèn, vải liệm… Ngại quá, hay chú em cho anh mượn đỡ vài triệu lên chợ mua… cùng với vài vật dụng cần thiết nữa. Hồi sáng đi gấp quá, anh quên bảo bên gia chủ đưa cho một ít tiền… Qua đám, khi tính tiền hòm rương với chú Sáu, anh nói chủ nhà tính luôn cho em!”- nói vừa dứt câu, người này liền bấm số điện thoại và nói chuyện huyên thuyên với ai đó. Thấy anh Ba e ngại, anh ta nói luôn: “Chú em cứ yên tâm, anh đã điện nói với chú Sáu và cả bên nhà gia chủ…” Sau một chút do dự, anh Ba cho ghe dừng lại gần bến đò ngang đầu chợ, rồi nói với người này: “Tui đem theo có mấy “chai” (tức mấy triệu đồng- tiếng lóng của người dân địa phương- NV), định lúc quay về mua một ít phân, thuốc cho đám khoai. Thấy bên anh gấp quá, để tui đưa tạm 2 triệu xài đỡ…” “Được vậy, cám ơn chú em nhiều lắm lắm!”- người đàn ông trung niên rối rít.

Hơn một giờ sau, không thấy người mua hòm trở lại, anh Ba Teo liền điện thoại cho chú Sáu trại hòm thì mọi chuyện vỡ lẽ. Biết đã bị gạt, anh cho ghe quay về trại với tâm trạng vừa buồn, vừa giận. Hôm đó, chú Sáu có điện thoại hỏi thăm người quen, biết được ở đầu rạch… không có cụ ông nào qua đời sớm nay. Sau đó, thấy hoàn cảnh làm mướn vất vả của anh Ba Teo, chú Sáu ngoài trả tiền công mướn ghe (tất nhiên) còn “gánh” thêm 2 “chai” của kẻ bất nhân. Đây quả là bài học mà chú và anh Ba khó quên trong chuyện làm ăn.

P. THÀNH (Bình Tân)