Cảnh giác với thông tin giả

Cập nhật, 06:16, Thứ Tư, 18/08/2021 (GMT+7)

(VLO) Những ngày gần đây, lượng tin giả phát tán trên mạng về dịch COVID-19 lại có dấu hiệu gia tăng, gây rối loạn thông tin, làm tình hình thêm phức tạp.

Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội. Với rất nhiều tính năng được tích hợp bên trong, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, trên mạng xã hội cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận, cung cấp những thông tin sai trái, thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, đã có rất nhiều tin giả được phát tán trên các mạng xã hội. Nội dung các tin giả chủ yếu là kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng; xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...

Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch, những tin giả, tin đồn, tin thất thiệt về dịch bệnh làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, làm cho công tác phòng chống dịch COVID-19 thêm khó khăn, do đó cần mạnh tay xử lý vấn nạn này.

Ngày 19/7/2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông (TT- TT) đã lên tiếng bác bỏ và cảnh báo thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh”.

Trước đó, ngày 15/7, Bộ Y tế cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật lan truyền đoạn tin nhắn cho rằng SARS-CoV-2 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. 

Theo thống kê, thời gian qua, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã công bố dán nhãn 37 tin giả; cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí;...

Gần đây nhất là thông tin giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được rất nhiều người chia sẻ và đoạn viết cũng như hình ảnh cho rằng “bác sĩ Khoa” rút ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ sinh đôi đã lan truyền một cách nhanh chóng trên mạng xã hội.

Trong vài tháng qua, hàng loạt vụ tung tin giả liên quan dịch COVID-19 đã bị cơ quan chức năng ở nhiều địa phương từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau xử lý.

Điển hình như, ngày 14/7, Công an TP Cần Thơ và Thanh tra Sở TT- TT TP Cần Thơ đã xử phạt 2 phụ nữ tung tin giả tiểu thương bán bún nhiễm SARS-CoV-2 tại chợ Tân An tử vong và dịch lây lan tại khu công nghiệp.

Ngày 12/7, Chánh Thanh tra Sở TT- TT tỉnh Cà Mau cũng đã ký quyết định xử phạt hành chính một cá nhân 7,5 triệu đồng vì tung tin bịa đặt việc phong tỏa toàn tỉnh và bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 gây hoang mang trong nhân dân.

Ngày 31/7, Công an tỉnh Vĩnh Long quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với V.K.L. (xã Lộc Hòa- Long Hồ) về hành vi sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…

Để hạn chế tình trạng tin giả gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 23/7/2021, Bộ TT- TT đã ban hành Văn bản 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng. 

Theo đó, Bộ TT- TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về công tác phòng chống dịch để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Về lâu dài, cần phát huy vai trò của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19 cho nhân dân.

Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết, người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.

Mặt khác, giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19… để tự giác chấp hành.

Ngày 17/6/2021, Bộ TT- TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân là: tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội; chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, tin sai sự thật; không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Người dân cần tỉnh táo, có trách nhiệm khi cung cấp và tiếp nhận thông tin. Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” thì mỗi người dân chính là một chiến sĩ, không chỉ chiến đấu chống SARS-CoV-2, mà còn cần tỉnh táo, có trách nhiệm trước “vi rút số” tin giả để vừa có thể góp phần chiến thắng đại dịch, vừa xây dựng được một môi trường mạng văn minh, lành mạnh.

NGUYỄN SAN