Vụ hàng trăm tạ khoai lang bị hư phải đổ bỏ: Người đứng tên trên hợp đồng phải trả nợ

Cập nhật, 05:50, Thứ Ba, 17/08/2021 (GMT+7)

(VLO) Vụ kiện xoay quanh hơn 670 tạ khoai lang tím Nhật bị hư phải đổ bỏ liên quan các thương lái ở huyện Bình Tân và TX Bình Minh kéo dài từ năm 2019 đến nay đã có hồi kết và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chị Nguyễn Thị B. và chị Lê Thị Thanh T. là thương lái hay mua khoai lang của nông dân ở huyện Bình Tân bán lại cho các kho khoai ở TX Bình Minh nên quen biết anh Nguyễn Văn H. (SN 1985, chủ kho khoai ở xã Thuận An).

Theo lời trình bày của chị B: Ngày 18/11/2019, chồng chị T. đến thu mua tại ruộng hơn 670 tạ khoai lang tím Nhật giá 360.000 đ/tạ thành tiền hơn 241,4 triệu đồng, trừ 30 triệu đồng tiền cọc, còn nợ hơn 211,4 triệu.

Chồng chị T. đã ký nhận và viết tờ cam kết là đến ngày 27/11/2019 sẽ trả đủ số tiền trên. Tuy nhiên, khi chị B. liên hệ đòi tiền thì vợ chồng chị T. cho biết là mua khoai giùm anh H. và số khoai mua đều bị hỏng nên đã đổ bỏ.

Do đó, chị B. gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu vợ chồng chị T. và chủ kho khoai là anh H. cùng có trách nhiệm hoàn trả số tiền mua khoai còn nợ hơn 211,4 triệu đồng.

Vợ chồng chị T. không đồng ý trả số nợ trên với lý do chỉ giới thiệu để chị B. bán khoai cho anh H. nhằm hưởng hoa hồng.

Vợ chồng chị T. không trực tiếp kiểm đếm và nhận khoai lang từ ruộng của chị B. mà do người của anh H. thuê đến để lựa khoai phân loại, cân khoai, vận chuyển về kho.

Cụ thể, anh H. đã nhận và chở khoai về kho đợt đầu không rõ số lượng bao nhiêu, nhưng hôm sau thì anh H. bỏ khoai tại ruộng không nhận vì cho rằng khoai bị thối và đề nghị chị B. giảm giá, đồng thời giảm thêm cho số khoai đã nhận 2 ngày trước.

Do không thỏa thuận được nên anh H. kéo người về bỏ khoai không nhận. Số tiền 30 triệu đồng ứng đặt cọc cũng do anh H. đưa.

Sau khi đặt cọc 2 ngày, anh H. cho người vào lựa khoai để mua và chở về kho. Vì làm ăn nhiều năm tin tưởng nhau nên trong hợp đồng mua bán khoai và đặt cọc với chị B., vợ chồng chị T. không ghi tên anh H. và địa chỉ kho ở xã Thuận An vào.

Lý do vợ chồng chị T. viết tờ cam kết là vì từ trước đến nay, vợ chồng chị T. cũng lãnh nợ mua khoai cho anh H. nhiều lần nhưng không ngờ lần này bị kiện.

Trong khi đó, anh H. cho rằng vợ chồng chị T. bán khoai cho anh nhiều lần, còn chị B. từng làm lái khoai nên anh cũng biết.

Khoảng tháng 11/2019, vợ chồng chị T. điện thoại cho anh kêu bán khoai lang tím Nhật giá 400.000 đ/tạ, thỏa thuận giao khoai tại kho ở xã Thuận An. Nếu khoai không bị thối, nức hay bể bụng thì anh H. cho nhập kho và trả tiền ngay.

Tuy nhiên, khi vợ chồng chị T. chở khoai về kho thì anh H. phát hiện khoai bị hư thối nên không cho nhập kho.

Anh H. có báo lại để vợ chồng chị T. đến tự xử lý và đề nghị báo chính quyền ấp, xã Thuận An đến lập biên bản làm bằng chứng để giải quyết với chị B.

Sau đó, vợ chồng chị T. cho biết đã báo chính quyền địa phương và điện thoại cho chị B. nhưng chị B. không đến chứng kiến nên vợ chồng chị T. xúc bỏ toàn bộ số khoai bị hư.

Thực tế, anh H. không mua khoai của chị B. mà chỉ mua khoai của chị T. như đã thỏa thuận và cũng không ứng tiền cho vợ chồng chị T. đặt cọc mua khoai. Do đó, anh H. không đồng ý trả số nợ mà chị B. yêu cầu.

Quá trình giải quyết vụ án, cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX làm việc với các nhân chứng là người chở khoai và lựa khoai thuê thì tất cả những người này đều thừa nhận là được vợ chồng chị T. thuê chứ không phải anh H.

Qua xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định: Vợ chồng chị T. là người trực tiếp mua và viết cam kết trả số tiền khoai còn nợ, không có bất cứ văn bản hay thỏa thuận nào thể hiện mua khoai thay cho anh H.

Tại tòa, vợ chồng chị T. cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh những thỏa thuận khác với anh H.

Trong khi các nhân chứng đều khẳng định vợ chồng chị T. là người trực tiếp đến thỏa thuận giá cả mua khoai, thuê người lựa khoai và vận chuyển về kho.

Do hợp đồng mua bán khoai ngày 8/10/2019 và tờ cam kết trả tiền khoai ngày 18/11/2019 là do chồng chị T. trực tiếp đứng tên và ký nhận với chị B. nên không có căn cứ buộc anh H. cùng có trách nhiệm trả số tiền khoai còn nợ.

Do đó, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc vợ chồng chị T. phải trả cho chị B. số tiền mua khoai còn nợ hơn 211,4 triệu đồng.

Vụ việc coi như kết thúc sau nhiều năm tranh chấp và được xem là bài học pháp lý cho nhiều người nhằm tránh xảy ra những vụ việc tương tự. Bởi trong giao dịch mua bán, đôi bên không chỉ dựa vào niềm tin mà cần phải ràng buộc rõ ràng bằng văn bản để phòng khi xảy ra tranh chấp thì không bị thiệt.

DIỄM PHƯỢNG