Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi

Cập nhật, 06:09, Thứ Năm, 02/11/2017 (GMT+7)

Lập trang web tổ chức đánh bạc, huy động vốn hoặc đánh cắp thông tin cá nhân để xâm nhập vào hệ thống ngân hàng rút tiền của các cá nhân,… là những thủ đoạn phổ biến hiện nay của tội phạm công nghệ cao (CNC).

Sự thông dụng của Internet mang lại cho người dùng nhiều tiện lợi, nhưng nếu không cảnh giác thì rất dễ trở thành con mồi béo bở của loại tội phạm này.

Một trong những trang web lừa đảo núp bóng hình thức huy động vốn khiến nhiều người vì ham lời nên sụp bẫy. Ảnh chụp lại màn hình
Một trong những trang web lừa đảo núp bóng hình thức huy động vốn khiến nhiều người vì ham lời nên sụp bẫy. Ảnh chụp lại màn hình

Một thủ đoạn lừa hàng ngàn người

Thông qua các trang mạng trên Internet, bọn tội phạm đã thực hiện rất nhiều hành vi phạm pháp như trộm cước viễn thông, tổ chức đánh bạc, mua bán các loại giấy tờ giả, trộm tên miền các trang web, đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng để rút tiền từ tài khoản ngân hàng,…

Hoặc chúng giả danh cán bộ cơ quan nhà nước đe dọa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh buộc họ phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Gần đây, xuất hiện các trang web kêu gọi huy động vốn với “cam kết” làm giàu nhanh chóng, nhưng thực chất là lừa đảo.

Tháng 3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Vĩnh Long phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo này được xác định là Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1978, thường trú phường Tân Hòa, TP Biên Hòa- Đồng Nai).

Quá trình điều tra xác định, ngày 1/6/2016, Phương đưa vào hoạt động website “hero8.org” với hình thức ủy thác đầu tư tài chính và đăng ký thông tin website này là thành viên của Công ty CP Phương Thái An, nhưng thực chất là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thông qua các cuộc hội thảo để quảng bá, Phương đã đưa thông tin giả mạo là Công ty CP Phương Thái An cần vốn kinh doanh bất động sản, vàng, gara ôtô trong Khu đô thị Phương Thái An.

Phương cũng đăng thông tin trên “hero8.org” kêu gọi đầu tư vào công ty thông qua hệ thống website này để được hưởng lãi suất cao.

Cách thức huy động trên “hero8.org” là đưa ra chính sách đầu tư theo mã (ID). Tức là, nhà đầu tư muốn đầu tư vào hệ thống này phải mua một mã số tương ứng 10.160.000đ và được hứa hẹn mỗi mã sẽ được trả góp dần: sau 5 ngày góp vốn thì mỗi mã đầu tư sẽ được nhận 2.200.000 đ/lần, tổng số lần nhận được cho mỗi mã là 18 lần, kéo dài trong 90 ngày, tương đương 39.600.000 đ/mã.

Ngoài khoản tiền trên, nhà đầu tư còn được hứa hẹn sẽ nhận thêm tiền hoa hồng cho việc giới thiệu trực tiếp.

Cụ thể, nhận 1- 10% tổng số tiền mà người được giới thiệu đầu tư vào hệ thống “hero8.org”, và tùy theo số người mà nhà đầu tư giới thiệu vào hệ thống.

Khi giới thiệu được 2 người trở lên, nhà đầu tư sẽ nhận được tiền hoa hồng “cân nhánh” bằng 10% tổng số tiền ở nhánh yếu hơn.

Qua thời gian điều tra, theo dõi, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng CNC (Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo này.

Ngoài Phương, công an còn bắt thêm 2 đồng bọn của Phương là Phạm Thanh Toàn (SN 1971, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai) và Hồ Đình Phú (SN 1992, ngụ tỉnh Lâm Đồng).

Thời điểm bị bắt quả tang, trong hệ thống máy tính của chúng đã xuất hiện 24.000 mã ID với khoảng trên 4.000 người từ 60 tỉnh- thành trên cả nước tham gia, trong đó có Vĩnh Long.

Tổng số tiền chuyển vào tài khoản của các đối tượng này lên đến khoảng 140 tỷ đồng, trong đó Phương dùng trên 40 tỷ để trả lãi, số còn lại sử dụng vào việc mua nhà đất, xe hơi và nhiều loại vật dụng cá nhân khác.

Thiệt hại lớn, khó triệt phá

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng CNC, cứ 14 giây thì trên thế giới lại xảy ra 1 vụ phạm tội sử dụng CNC.

Và trong một năm loại tội phạm này gây thiệt hại khoảng 400 tỷ USD, cao hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma túy thu được.

Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong nhiều năm qua, tình hình tội phạm sử dụng CNC bùng phát rất mạnh.

Tội phạm CNC không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế cho các cơ quan, tổ chức mà còn khiến cho nhiều người dân sụp bẫy, đẩy họ từ chỗ khá giả đi đến bờ vực phá sản.

Tội phạm CNC xảy ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, địa bàn hoạt động rộng vì thế đối tượng phạm tội có thể ở nơi này nhưng thực hiện hành vi phạm tội ở nơi khác, thậm chí có cả đối tượng ở nước ngoài vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội thông qua Internet.

Tại một hội nghị phòng chống tội phạm CNC gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa- Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng CNC cho biết:

Sự gia tăng đột biến của loại hình tội phạm này cùng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như không bao giờ sử dụng tên thật, số điện thoại cố định mà chỉ sử dụng tên giả, sim rác và liên tục thay đổi tên tuổi trên mạng cùng địa chỉ nhà đã làm cho lực lượng điều tra rất nhiều khó khăn vất vả, phải mất rất nhiều thời gian mới phá được án.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa cũng dự báo tình hình tội phạm sử dụng CNC sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp, bán hàng trực tuyến; gian lận, trộm cắp trong hoạt động thanh toán điện tử, đánh bạc,… sẽ là những thách thức lớn đối với lực lượng phòng chống tội phạm CNC trong thời gian tới.

TRUNG HƯNG