Mua bán xe ba gác chưa qua kiểm định và làm giả giấy tờ

Kỳ cuối: Biết sai vẫn làm- cái giá phải trả

Cập nhật, 05:45, Thứ Tư, 28/09/2016 (GMT+7)

Những người tham gia vào đường dây làm giả giấy đăng ký và giấy phép lái xe (GPLX) đều biết là sai nhưng vì lợi ích cá nhân đã bất chấp dẫn đến người lãnh án, người mất tài sản do bị thu hồi.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Hám lợi, hàng chục người tham gia

Quá trình mua bán xe ba gác “lậu” từ năm 2014- 2015, Lý Thọ Minh (SN 1950- trú đường 8 Tháng 3, Phường 5- TP Vĩnh Long) biết Phan Văn Thân (SN 1952- trú Khóm 3, Phường 4- TP Vĩnh Long) chạy xe ôm nhưng có tham gia vào đường dây làm GPLX giả nên Minh “nói nhỏ” với số người quen “ai có nhu cầu làm GPLX không phải học và thi thì nhận hồ sơ đưa lại”, Minh sẽ cho tiền cà phê.

Từ đó, nhiều người đã liên hệ với Minh nhờ làm GPLX cho bản thân, người thân hoặc môi giới nhận hồ sơ giao cho Minh để hưởng tiền “cò” từ 1,5- 2 triệu đồng/ trường hợp.

Nhận hồ sơ xong, Minh giao lại cho Thân làm ra GPLX giả, với giá 1,3 triệu đồng đối với GPLX hạng A1 và 2,3 triệu đồng đối với GPLX hạng A2, A3.

Song khi thỏa thuận với người có nhu cầu, Minh “cơi giá” lên từ 3,5- 5 triệu đồng/ trường hợp để hưởng chênh lệch.

Bên cạnh, Thân cũng trực tiếp nhận làm GPLX giả với giá 4,5 triệu đồng/ trường hợp rồi giao lại cho tên Tèo ở TP Hồ Chí Minh (chưa xác định được họ tên, địa chỉ cụ thể), mỗi hồ sơ Tèo cho Thân 200.000đ.

Ngoài Minh và Thân, cơ quan điều tra còn chứng minh được số đối tượng sau đã tham gia vào đường dây làm giả GPLX với mục đích thu lợi gồm: Nguyễn Văn Giàu (SN 1982- chạy xe ba gác, ở ấp Tân Quới Đông, xã Trường An- TP Vĩnh Long), Nguyễn Văn Hoàng (SN 1960- làm thuê, ở ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức- Long Hồ), Nguyễn Thị Mai Trang (SN 1973- làm thuê, ở Khóm 2, Phường 4- TP Vĩnh Long), Thái Văn Hoàng (SN 1951- làm thuê, ở đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 5- TP Vĩnh Long).

Sau khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan điều tra đã thu hồi 16 giấy đăng ký xe ba gác và 34 GPLX hạng A1, A3, A4 (còn 4 GPLX người sử dụng làm mất không thu hồi được).

Qua giám định, tất cả đều là giấy giả không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Do đó, Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng nói trên về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 và 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, còn có hàng chục người mua xe ba gác chưa qua kiểm định và yêu cầu làm giấy đăng ký, GPLX giả với mục đích qua mặt cơ quan chức năng là có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng xét thấy những đối tượng này là người lao động, có trình độ học vấn thấp không đủ điều kiện tham gia thi GPLX theo quy định, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thực hiện hành vi không có tính vụ lợi mà chủ yếu là nhằm phục vụ nhu cầu bản thân và người thân, mức độ nguy hiểm không lớn nên không xử lý hình sự.

Cái giá phải trả

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi trên là sai, tự nguyện giao nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Cụ thể, Lý Thọ Minh mua bán 11 xe ba gác, môi giới làm 5 giấy đăng ký, biển số xe và 38 GPLX giả thu lợi bất chính hơn 50,4 triệu đồng; Phan Văn Thân môi giới giao cho tên Tèo làm ra 38 GPLX giả thu lợi 7,6 triệu đồng; Nguyễn Thành Tuấn môi giới làm biển số, giấy đăng ký xe giả và bán 5 xe ba gác thu lợi 10 triệu đồng; Nguyễn Văn Tuấn mua bán 3 xe ba gác thu lợi 2 triệu đồng; Võ Văn Tuấn mua bán một xe ba gác thu lợi 3,5 triệu đồng; Trần Thanh Bình dùng xe tải của gia đình chở thuê 5 xe ba gác (chuyến thứ 5 bị bắt chưa được trả tiền) thu lợi 6 triệu đồng; Nguyễn Văn Hoàng môi giới làm một GPLX thu lợi 2 triệu đồng; Thái Văn Hoàng môi giới làm 2 GPLX thu lợi 500.000 đồng; Nguyễn Thị Mai Trang môi giới làm 4 GPLX thu lợi 400.000 đồng; Nguyễn Văn Giàu môi giới làm 4 GPLX thu lợi 1,5 triệu đồng.

Chỉ vì tư lợi cá nhân, các bị cáo đã sử dụng tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa dối, trực tiếp giúp các phương tiện chưa đảm bảo kỹ thuật lưu thông và những người chưa đủ điều kiện, chưa qua trường lớp lái xe được điều khiển phương tiện tham gia giao thông làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Hành vi của các bị cáo còn xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính và uy tín của các cơ quan nhà nước về con dấu, tài liệu và giấy tờ khác.

Đây là vụ án có số người tham gia khá đông, phạm tội có tổ chức nhưng ở mức độ giản đơn, không có sự bàn bạc, phân công vai trò, trách nhiệm cụ thể mà chỉ là môi giới, trung gian, không có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện nên chỉ mang tính đồng phạm giản đơn.

Trong đó, Lý Thọ Minh là người có vai trò chính đã trực tiếp liên hệ với Phan Văn Thân, Nguyễn Thành Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn và 2 đối tượng khác là những người làm ra biển số, giấy đăng ký xe ba gác và GPLX giả rồi cấu kết nhiều đối tượng khác tạo thành đường dây mua bán xe ba gác chưa qua kiểm định và giấy tờ giả cho nhiều người ở trong và ngoài tỉnh, thu lợi bất chính số tiền lớn nên cần xử nghiêm.

Các bị cáo còn lại phạm tội với vai trò đồng phạm, mức độ nhẹ hơn nên xử mức án thấp hơn.

Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm phạt Lý Thọ Minh 3 năm tù giam, Phan Văn Thân 2 năm tù giam, Nguyễn Thành Tuấn 1 năm tù giam, Nguyễn Văn Tuấn 9 tháng tù giam, Trần Thanh Bình 6 tháng tù treo; các bị cáo còn lại bị phạt tiền gồm: Võ Văn Tuấn 10 triệu đồng, Thái Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Thị Mai Trang, Nguyễn Văn Giàu mỗi người 5 triệu đồng cùng tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước 11 xe ba gác, tiêu hủy toàn bộ giấy đăng ký xe ba gác, GPLX giả các loại.

Tại khoản 1 và 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp “phạm tội nhiều lần” thì bị phạt tù từ 2- 5 năm.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG