Tệ nạn ma túy- báo động đỏ

Kỳ cuối: Tập trung đẩy lùi tệ nạn ma túy

Cập nhật, 13:00, Thứ Sáu, 01/07/2016 (GMT+7)

Trong khi tội phạm ma túy ngày càng manh động, tinh vi thì khâu tổ chức cai nghiện bắt buộc phải có “chữ ký” của nhiều cơ quan.

Quy trình phức tạp khiến nguy cơ người nghiện không được quản lý chặt chẽ hay được đưa đi cai nghiện sớm nên sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu tác động, lôi kéo đi vào con đường phạm pháp, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự.

Để kéo giảm, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Để kéo giảm, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có liên quan lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc và quy trình xác định nghiện phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, vận động cai nghiện tự nguyện và giải quyết việc làm sau cai nghiện.

Nan giải việc cai nghiện

Trước đây, khi phát hiện đối tượng nghiện, chính quyền địa phương lập hồ sơ đưa đi cai nghiện lập tức. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Nghị định 221 của Chính phủ được ban hành thì việc tổ chức cai nghiện bắt buộc càng nan giải hơn, nhiều trung tâm rơi vào tình trạng... ế ẩm.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động và xã hội tỉnh Vĩnh Long chỉ tiếp nhận 1 trường hợp cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa. Do vậy, trung tâm cũng không thể mở lớp dạy nghề và bổ túc văn hóa cho những đối tượng này.

Theo Nghị định 221, để lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện phải qua cơ quan y tế xét nghiệm, xác định dương tính với ma túy. Sau đó chuyển cho công an lập hồ sơ, phòng tư pháp thẩm định rồi đến phòng lao động, thương binh và xã hội và cuối cùng phải chờ phán quyết của tòa án.

Thượng tá Phan Vĩnh Mặn- Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho rằng, bởi thủ tục rườm rà, lòng vòng nên việc thực hiện chưa đồng nhất, thực tế người nghiện chưa có hồ sơ quản lý vẫn còn nhiều sẽ khiến tệ nạn ma túy lan rộng, gây mấy an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 17 của Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Công an vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, đế xác định tình trạng nghiện ma túy nhóm Opiats (các chất dạng thuốc phiện) thì phải theo dõi triệu chứng tối đa 3 ngày và phải có 3/12 triệu chứng của trạng thái cai.

Đối với nhóm nghiện ma túy tổng hợp chất Amphetamine thì phải theo dõi triệu chứng tối đa 5 ngày. Vì vậy, để theo dõi, xác định chính xác tình trạng nghiện thì phải có chỗ quản lý và lưu giữ đối tượng nhưng thông tư chưa có hướng dẫn vấn đề này.

Mặt khác, việc tạm giữ đối tượng theo thủ tục hành chính hiện nay chỉ có 2 trường hợp là cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, còn người nghiện không thuộc đối tượng tạm giữ hành chính nên việc xử lý còn lúng túng.

Truy quét tội phạm ma túy

Từ đầu năm đến nay, công an đã bắt quả tang 18 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, xử phạt hành chính 13 triệu đồng.

Đồng thời, kết hợp với ngành chức năng mời 632 đối tượng nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy để xét nghiệm và phát hiện 398 trường hợp dương tính với ma túy, phạt hành chính 79 đối tượng trên 79 triệu đồng, cho viết cam kết không tái phạm 215 đối tượng, số còn lại tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý.

Thượng tá Phan Vĩnh Mặn cho biết, không chỉ thường xuyên tổ chức các đợt tấn công, truy quét, lực lượng cảnh sát ma túy luôn trong tư thế tấn công tội phạm ma túy nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi xã hội.

Các ban ngành, đoàn thể đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy, dấu hiệu nhận biết người nghiện, quy định của pháp luật về xử lý tội phạm ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy,... bằng các hình thức như: phát tờ bướm, hội thi, lồng ghép vào các cuộc họp chi bộ, tổ nhân dân tự quản,...

Và coi đây là kênh quan trọng để đẩy lùi và ngăn chặn phát sinh tệ nạn ma túy. Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động và xã hội lồng ghép công tác chữa bệnh, tuyên truyền pháp luật, giáo dục, cảm hóa người nghiện với việc rèn luyện thể chất, văn hóa, văn nghệ.

Tại lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời dẫn chứng số liệu cả nước hiện có khoảng 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó 76% dưới độ tuổi 35, 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên dưới độ tuổi 25, 8% sử dụng lần đầu tiên dưới độ tuổi 18; riêng Vĩnh Long, trong 6 tháng qua đã phát hiện mới 105 người nghiện (có hồ sơ quản lý) nâng tổng số người nghiện lên 1.290.

Ông cho rằng, đây là con số đáng báo động về tệ nạn ma túy nên yêu cầu lực lượng công an rà soát, nắm chắc đối tượng liên quan đến ma túy để lập hồ sơ quản lý và có kế hoạch đấu tranh, triệt xóa khi phát hiện vi phạm. Đặc biệt là các đường dây tội phạm mua bán các chất ma túy; các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc bảo quản, mua bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và các tiền chất trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp.

Đến nay, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone do Sở Y tế triển khai đã tiếp nhận khám và điều trị cho 258 trường hợp. 

Qua thời gian điều trị, thể chất và tinh thần người nghiện có nhiều chuyển biến tích cực, một số trường hợp đã tìm được việc làm ổn định. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời yêu cầu Sở Y tế nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND thành lập thêm một số trung tâm điều trị Methadone khác, cũng như đưa chương trình điều trị này vào trung tâm cai nghiện và trại tạm giam. Đồng thời, tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ xác định tình trạng nghiện ma túy.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG- HOÀI NAM