Tình hình tội phạm phức tạp, đáng lo ngại

Cập nhật, 07:49, Thứ Năm, 31/10/2013 (GMT+7)

Đó là những băn khoăn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội thuộc tổ 12 trong buổi thảo luận tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 vào chiều 29/10/2013.

Tội phạm gia tăng, đáng lo ngại

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm nhận định, một số tội phạm như giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ... có giảm, nhưng tính chất tội phạm nghiêm trọng hơn.

Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm trên 86% các vụ giết người, tình trạng sát hại người thân trong gia đình xảy ra nhiều, chứng tỏ sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động. Tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế cũng tăng, xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;...

Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tới an sinh xã hội; các trò chơi bạo lực trên mạng, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót làm phát sinh tội phạm; công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế;…

Nhiều ĐB cho rằng tội phạm vẫn gia tăng, đáng lo ngại. ĐB Nguyễn Thanh Bình (đơn vị Vĩnh Long) băn khoăn: “Tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế tăng 1,23% về số vụ, 1,2% về số bị can so với năm 2012. Tôi chưa được an tâm. Tình hình xử lý vi phạm hành chính, theo báo cáo có 7 triệu người vi phạm pháp luật đã được xử lý đó là con số lớn, đáng báo động”.

ĐB đã đề nghị cần tập trung quyết liệt nhất là công tác tuyên truyền pháp luật phải được coi trọng, làm quyết liệt để giáo dục công dân phải sống và làm việc theo pháp luật. Công tác thanh kiểm tra phải thường xuyên mạnh mẽ hơn; chế tài xử lý phải nghiêm minh hơn.

Trong thảo luận, đa số ĐB không tán thành việc giảm chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội như đề nghị của các cơ quan tư pháp.

ĐB cho rằng trong thời gian qua Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả bước đầu trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm trật tự xã hội, nỗ lực rất lớn trong việc điều tra đưa các vụ việc vi phạm pháp luật ra xử lý vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chưa mang lại hiệu quả tích cực, chưa giải quyết được căn nguyên dẫn đến tình trạng tham nhũng và các loại tội phạm khác như: tội phạm công nghệ cao, vi phạm sở hữu trí tuệ; sản xuất hàng gian, hàng giả; vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm; tệ nạn xã hội.

ĐB Nguyễn Đăng Tiến (đơn vị Bắc Giang) cho rằng, ở mặt trận an ninh quốc gia, các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều mặt, trong đó thông qua các phương tiện truyền thông. ĐB đề nghị cần xử lý quyết liệt hơn nữa các nhóm tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao…

Đồng thời, đề nghị giải pháp ngăn ngừa, kiềm chế tội phạm trên các lĩnh vực. Tăng cường quản lý xã hội, quản lý văn hóa. Mỗi gia đình phải là một tế bào lành mạnh, thì xã hội mới lành mạnh.

Công tác phòng chống tham nhũng

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, nhiều ĐB cho rằng có sự chi phối của lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, hiệu quả của các biện pháp PCTN nhìn chung còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp PCTN, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.

Một số biện pháp PCTN còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả chưa cao như cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế, ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là về mặt tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật…

Và giải pháp để PCTN được các ĐB đặt ra là phải “chặt đứt” cho được lợi ích nhóm, bằng giải pháp căn cơ; nhất là công tác cán bộ, phải bố trí cán bộ có đạo đức, có tâm, trình độ, có trách nhiệm cao; trong thực thi nhiệm vụ, phải đặt lợi ích của ngành, của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân; làm việc phải thực sự công tâm, khách quan, kịp thời làm cho dân tin thì dân mới làm theo.

Các ĐB đề nghị Chính phủ có một đánh giá nhận định, tổng kết sâu sắc, đúng mức tình hình tội phạm từ nhiều góc độ, trong đó đặc biệt chú ý về tư tưởng xã hội, tác động về kinh tế trong việc hình thành tội phạm, để đề ra biện pháp, phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

ĐB còn đặt vấn đề cần phải có giải pháp tốt hơn để quản lý có hiệu quả hệ thống các cơ quan tư pháp, cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm để đáp ứng niềm tin của nhân dân.

ĐB Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long:

Vi phạm nhiều nhất về lĩnh vực an toàn giao thông, cư trú và kinh doanh có điều kiện. Nguyên nhân chủ yếu là do: kỷ cương pháp luật bị buông lỏng; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ có điều kiện chưa thường xuyên. Chế tài xử lý cần nghiêm hơn, kiên quyết hơn.

ĐB Nguyễn Bắc Việt- Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận:

Theo tôi, phải chỉnh lại câu chữ nói rõ luôn, bài trừ sản phẩm đồi trụy, lối sống lai căng mất gốc, mê tín dị đoan, tức là phải nói rõ việc mình làm, chứ không nói chung chung nữa. Cần nâng chất lượng thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ và tăng cường quản lý có hiệu quả mạng Intenet.

ĐB Lưu Thành Công- đơn vị tỉnh Vĩnh Long:

Theo tôi, giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế, khi kinh tế ổn định, tạo công ăn việc làm cho mọi người thì giảm bớt tội phạm. Đề nghị xem lại khâu quản lý nhà nước và phải xử lý thật nghiêm trường hợp thực thi công vụ chưa tốt, vấn đề cử tri hết sức bức xúc. Đồng thời, đề cao vai trò MTTQ các cấp và đoàn thể trong xây dựng gia đình, thôn ấp gắn với tuyên truyền pháp luật.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN