Vĩnh Long và du lịch homestay

Cập nhật, 12:23, Chủ Nhật, 05/12/2021 (GMT+7)

 

Du khách quốc tế tham gia nấu ăn tại homestay Ba Lình.
Du khách quốc tế tham gia nấu ăn tại homestay Ba Lình.

Mặc dù chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại, nhưng người dân Vĩnh Long vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, đậm chất Nam Bộ. Đây chính là nhân tố quyết định để phát triển sản phẩm du lịch homestay mang thương hiệu Vĩnh Long ra đời.

Nhưng để xứng danh “đệ nhất homestay” một thời thì chất lượng phục vụ cần được nâng cao, góp phần phục hồi ngành du lịch sau thời gian chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19.

Tiên phong làm du lịch homestay

Ông Trần Minh Triết- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Loại hình du lịch homestay được định hình và phát triển đầu tiên ở Vĩnh Long từ năm 1990. Đây được xem là thời kỳ vàng son của du lịch homestay Vĩnh Long được rất nhiều các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước đến tham quan, học cách làm.

Du lịch homestay thời gian này được tổ chức với các hoạt động chủ yếu là trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt sông nước của người dân, tham quan sông nước miệt vườn. Đồng thời, kết hợp khai thác yếu tố văn hóa về phong tục tập quán, lễ hội địa phương vào chương trình tour phục vụ khách du lịch tham quan.

Phục vụ nguồn khách chủ yếu đến từ thị trường các nước Châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á. Đối tượng khách này rất ưa chuộng thiên nhiên tươi đẹp, không khí mát mẻ, tìm hiểu nếp sinh hoạt, đời sống dân địa phương. Hiện nay, du lịch homestay của tỉnh cũng thu hút khá nhiều khách nội địa đến tham quan, trải nghiệm sự khác biệt vùng miền về văn hóa cũng như ẩm thực.

Là một trong những cơ sở đầu tiên kinh doanh du lịch homestay, góp phần tạo thương hiệu sản phẩm du lịch homestay Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Hảo Nguyên- Cơ sở du lịch homestay Ba Lình (ấp An Thạnh, xã An Bình- Long Hồ) chia sẻ: Làm homestay trước tiên mình phải hiểu tâm lý, thị hiếu, nhu cầu của du khách. Thật ra, du khách đến homestay mục đích là được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân, tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, vùng đất địa phương.

Nắm bắt lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương; khởi đầu, Ba Lình kinh doanh kiểu homestay thuần túy, dựa trên tài sản sẵn có của gia đình để phục vụ du khách, như: có một phòng lớn cho khách ngủ tập thể, bàn, ghế gỗ, nhà nền đất “vẩy rồng”, bàn thờ gia tiên, vườn bonsai, trái cây, ao cá…

Bà Phạm Thị Ngọc Trinh- Chủ cơ sở Út Trinh homestay (ấp Hòa Quí, xã Hòa Ninh- Long Hồ) được chứng nhận danh hiệu “Homestay đạt chuẩn Asean” đầu tiên của ĐBSCL, cho biết: Để tạo thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch homestay, gia đình cố gắng giữ nếp nhà truyền thống của người miền Tây.

Đặc biệt là nhà ba gian hai chái hoặc là nhà chữ đinh, kiến trúc nhà xưa. Đồng thời, lưu giữ lại những món đồ độc đáo và cách sống ngày xưa. Qua đó, giữ lại những nét văn hóa đặc sắc miệt vườn. Khi du khách đến đây thì cùng sinh hoạt, ăn, ở với gia đình và trải nghiệm một số hoạt động như: đạp xe quanh đường làng, tát mương bắt cá, trồng rau, vào bếp nấu ăn, tham quan vườn trái cây và làm việc nhà nông, nghe đờn ca tài tử vào buổi tối.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Theo ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Vĩnh Long đệ nhất homestay” là mỹ từ được các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh “đặt tên” tại hội nghị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019. Đây là niềm vinh dự cho ngành du lịch tỉnh nhà trong quá trình phấn đấu xây dựng, phát triển loại hình sản phẩm du lịch này.

Để giữ vững thương hiệu sản phẩm du lịch homesaty, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long có nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch. Trong đó, quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là homestay.

Điển hình, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hỗ trợ 20 hộ gia đình đầu tư xây dựng homestay phục vụ tối thiểu từ 30 khách trở lên, số tiền 100 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, theo đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh đã xác định du lịch homestay là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đề án đặt ra việc xây dựng mô hình du lịch homestay gắn với phát triển nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi thông thoáng, khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự.

Vận động nhân dân và các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện mô hình xanh- sạch- đẹp, an toàn tại khu vực sinh sống và kinh doanh. Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách như: nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,...

Đồng thời, tổ chức tập huấn, đào tạo để cư dân trong vùng du lịch có ứng xử văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo tính thu hút để kéo dài thời gian khách lưu trú.

Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ loại hình du lịch homestay như xây dựng bến tàu du lịch, hệ thống các trạm dừng chân trên bờ dọc theo các tuyến du lịch nhằm kết nối giao thông thủy và giao thông đường bộ. Rà soát nâng cấp hệ thống cảnh báo đường sông, các bảng chỉ dẫn điểm, khu du lịch.

Song song đó, để góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Long nói chung và homestay nói riêng, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; xây dựng đa dạng các kênh phân phối thông qua các chương trình du lịch của các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch; vận động tất cả các cấp, các ngành, nhân dân hưởng ứng sử dụng sản phẩm du lịch đặc thù.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, trong đó có 2 cơ sở homestay đạt chuẩn ASEAN, với trên 230 phòng. Giá dịch vụ dao động 250.000- 1.000.000đ bao gồm giá của hoạt động lưu trú và các dịch vụ bổ trợ. Thời gian qua, sản phẩm du lịch homestay đã có những đóng góp quan trọng vào việc thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long. Nổi bật, năm 2019 Vĩnh Long đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 215.000 lượt, khách nội địa 1,285 triệu lượt, doanh thu ước đạt 525 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HIẾU THÀNH