Đồng bằng sông Cửu Long: Tận dụng lợi thế, thu hút đầu tư

Cập nhật, 15:02, Thứ Tư, 10/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL có môi trường kinh doanh khá thuận lợi và được cải thiện liên tục qua các năm.

Điều này được thể hiện thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân của vùng liên tục đứng đầu cả nước so với các vùng khác. Qua đó, thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

ĐBSCL cần phát triển hệ thống logistics phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn.Ảnh minh họa: Cảng Vĩnh Long
ĐBSCL cần phát triển hệ thống logistics phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn.Ảnh minh họa: Cảng Vĩnh Long

Cải thiện môi trường đầu tư

Theo số liệu của VCCI Cần Thơ năm 2020, có 151 dự án FDI đăng ký ở ĐBSCL với tổng vốn đầu tư hơn 6,08 tỷ USD.

So với các vùng khác, tổng vốn đầu tư FDI của ĐBSCL tăng lên đáng kể so với các năm trước, bằng 66,9% tổng số vốn đăng ký ở Đồng bằng sông Hồng và khoảng 59,2% so với miền Đông Nam Bộ. Tuy số lượng dự án FDI so với các vùng còn thấp, song vốn đầu tư lại tăng cao.

Trong quý III/2021, tuy ảnh hưởng của tình hình dịch COVID- 19 phức tạp, nhưng khu vực ĐBSCL vẫn có 14 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 202 triệu USD. Tập trung vào các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, và Hậu Giang.

Theo VCCI Cần Thơ, bức tranh thu hút dự án FDI ở ĐBSCL đang tăng nhanh từ năm 2010 đến nay, thúc đẩy tăng trưởng FDI trên 20% mỗi năm, giúp cho vùng giảm phụ thuộc vào một vài dự án lớn và tăng dần số lượng các dự án vừa và nhỏ.

Điều này cho thấy FDI ở ĐBSCL đang trở nên đa dạng, linh hoạt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho các ngành. Hơn nữa, đã có một số ngành mới tiềm năng phát triển như nông nghiệp (công nghệ cao), công nghệ thông tin và truyền thông, hậu cần, năng lượng tái tạo, bất động sản và du lịch…

Cũng theo VCCI Cần Thơ, môi trường kinh doanh của vùng ĐBSCL hiện có nhiều thế mạnh so với các vùng kinh tế còn lại, trong 10 tiêu chí thành phần PCI thì ĐBSCL đã có 6 chỉ số có điểm cao nhất, gồm: dễ dàng trong cận đất đai và sử dụng ổn định; chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhanh hơn các vùng khác; chi phí không chính thức thấp, tỷ lệ nhũng nhiễu thấp nhất cả nước; môi trường cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương; hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.

Điều này cho thấy các tỉnh, thành ĐBSCL đang thật sự chú trọng đến việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, cùng xu hướng chung của cả nước trong công tác nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tận dụng tối đa lợi thế

Khu vực ĐBSCL đã và đang là điểm đến thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.Ảnh minh họa
Khu vực ĐBSCL đã và đang là điểm đến thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.Ảnh minh họa

Theo đánh giá của VCCI Cần Thơ, thế mạnh của BĐSCL, gồm: thế mạnh về nguyên liệu; lực lượng lao động; cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể; hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư và luôn sẵn sàng; thị trường có sức mua lớn với hơn 17,3 triệu người tiêu dùng; nguồn lực dồi dào và thích ứng nhanh với sự đổi mới; sự bùng nổ của ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản;…

Theo ông Adam Koulaksezian- đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, thì với tiềm năng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật được cải thiện và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương vùng ĐBSCL đã, đang và sẽ là điểm thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Hiện nay, Đức có 18 dự án FDI đầu tư vào ĐBSCL với tổng vốn 132 triệu USD. Tuy nhiên, theo bà Lê Vân Hạnh- đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam thì doanh nghiệp Đức vẫn chưa có đầy đủ thông tin về tiềm năng đầu tư vào các tỉnh khác (bao gồm khu vực ĐBSCL) ngoài TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Qua đó, bà Vân Hạnh cũng mong muốn sẽ có những thông tin tổng quan, cụ thể hơn về từng tỉnh, thành của khu vực, cơ sở hạ tầng, sân bay, cảng biển, hệ thống y tế- bệnh viện…. cũng như các dự án mời gọi đầu tư, quy hoạch của các địa phương trong vùng.

Trong thời gian tới, ngoài tận dụng tối đa lợi thế, thì ĐBSCL cần làm gì để ngoài thu hút đầu tư, còn phải giữ chân được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI?

Trả lời câu hỏi này, PGS. TS. Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công thương- Bộ Công thương) cho rằng cần đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các nhà đầu tư hiện quan tâm một số vấn đề như tình hình chính trị, môi trường đầu tư an toàn ổn định, đảm bảo an toàn nguồn vốn và khả năng sinh lời.

Các địa phương cần xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, nghề của vùng và địa phương rõ ràng, chi tiết và có tầm nhìn. Điều này giúp củng cố niềm tin của những nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần đầu tư nâng cấp diện mạo khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng liên quan, kịp thời đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực…

Theo VCCI Cần Thơ, Vĩnh Long là một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực, thể hiện qua việc cải thiện chỉ số CPI trong 5 năm trở lại đây. Vĩnh Long cũng được xem là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực của vùng và lợi thế về phương pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với công tác chăm sóc, hỗ trợ doanh nghiệp.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY