ĐBSCL hiện là "vùng trũng" về đô thị hóa ở Việt Nam

Cập nhật, 19:24, Thứ Bảy, 02/01/2021 (GMT+7)

(VLO) Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đô thị hóa tạo ra sự tập trung nguồn lực với quy mô lớn và mật độ cao, nhờ đó gắn kết các hoạt động kinh tế, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và con người, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động công nghiệp- dịch vụ phát triển, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo... 

Tuy nhiên, ĐBSCL hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam, trong khi Việt Nam là vùng trũng về đô thị hóa khi so với các nền kinh tế chủ yếu trong khu vực.

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở vùng này, cho thấy chiếm gần 18% dân số của cả nước thì trong giai đoạn 2009- 2019, dân số thành thị của vùng chỉ tăng 403.000 người, xấp xỉ 5,3% số tăng dân số thành thị của cả nước.

Tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang “ngày một giãn ra”.

Cũng theo VCCI, nhìn về tương lai, nếu không có những yếu tố đột biến, rất khó để ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng dân số chung và dân số đô thị cao hơn trong 10 năm tới.

Nếu xu thế di dân tiếp tục như hiện nay, mà khả năng này rất cao, thì đến năm 2030, dân số của cả vùng còn chưa đến 17 triệu người, và đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa rất khó đạt 30%.

HOÀNG MINH