Sổ tay

Nhận diện "vùng ngập" của đô thị

Cập nhật, 19:24, Thứ Bảy, 02/01/2021 (GMT+7)

(VLO) ĐBSCL có địa hình trũng thấp, độ cao trung bình là 3- 5m, có nơi chỉ cao 0,5- 1m so mực nước biển. Dưới các tác động của biến đổi khí hậu, mùa lũ ở ĐBSCL biến động ngày càng lớn. Nguyên nhân được lý giải là do thượng nguồn xây đập, hồ chứa, thủy lợi, đô thị hóa, khai thác rừng và các hình thức thay đổi sử dụng đất khác…

Theo đó, vùng đầu nguồn ĐBSCL có huynh hướng mất “lũ” sớm, cường suất lũ giảm và thời gian duy trì lũ ngắn. Vùng hạ nguồn bị ngập nặng hơn vào cuối mùa lũ do kết hợp triều cường.

Toàn bộ 13 tỉnh- thành ĐBSCL có nguy cơ ngập và những tỉnh có nguy cơ ngập cao là Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong đó, nhiều đô thị có nguy cơ ngập cao. Cụ thể, diện tích ngập 85- 90% như: TP Rạch Giá, TX Hà Tiên (Kiên Giang), TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy (Hậu Giang).

Bên cạnh, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có diện tích ngập là 60- 70%. Trong khi đó, TX Gò Công (Tiền Giang) 20- 25%, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) ngập 10- 20%, TP Cần Thơ ngập 5-10%.

Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Vĩnh Long nằm trong số 1/23 đô thị ngập nông (dưới 1m) gồm TP là Cần Thơ, Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang), Tân An (Long An)…

Theo đó, phương châm chủ yếu phòng tránh lũ lụt ở ĐBSCL là thích nghi và hạn chế tác động của lũ lụt bằng các biện pháp công trình và phi công trình.

Theo đó, với đô thị cải tạo thì vùng ngập nông phải được khống chế lũ bằng hệ thống cống điều tiết và trạm bơm. Với đô thị xây dựng mới thì áp dụng giải pháp tôn nền...

Cùng với đó, cần lồng ghép chống ngập trong các quy hoạch không gian, quy hoạch sử dụng đất đến thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, cần kết hợp đa ngành, trong đó trọng tâm là phối kết hợp với các ngành thủy lợi và môi trường.

Thiết nghĩ, việc xác định “vùng ngập” của đô thị Vĩnh Long trong bức tranh chung toàn vùng là cần thiết nhằm chọn lựa các giải pháp tối ưu cho việc chống ngập của các đô thị trong thời gian tới.

SÔNG HẬU