Làm cho đất sét nở hoa...

Cập nhật, 14:22, Thứ Sáu, 21/08/2020 (GMT+7)

Từ sự đam mê, bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, chị Lê Kim Phượng ở ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, đã sáng tạo ra những đóa hoa, cây trái... rất độc đáo bằng đất sét. Nghề này đã giúp gia đình chị tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Cơ duyên

Những chậu hoa bằng đất sét đã hoàn chỉnh mà chị Phượng chuẩn bị giao cho khách hàng.
Những chậu hoa bằng đất sét đã hoàn chỉnh mà chị Phượng chuẩn bị giao cho khách hàng.

Đôi tay quanh năm chỉ quen với ruộng đồng, chăn nuôi... nên chị Phượng chưa từng nghĩ mình có thể làm được hoa bằng đất sét. Nghề này đến với chị như một cơ duyên.

Chị Phượng kể, cách nay khoảng 10 năm, em của chị từ TP Hồ Chí Minh về quê chơi, đem theo đất sét, khuôn, màu... để làm hoa. Thấy hay và hoa nhìn như thật nên chị theo học.

Càng học, chị càng mê. Hơn 2 tháng, chị biết cách làm lá, cành và cánh của các loài hoa hồng, hoa sen, hoa cúc…

Chị Phượng nói: “Lúc đầu, do bàn tay không được dẻo nên tôi chưa ráp được hoa. Thế nhưng, khi em tôi về TP Hồ Chí Minh, để lại tất cả đồ nghề, tôi tự học cách se lá, cánh... và ráp thành hoa, dần dần tôi ráp được chậu hoa hoàn chỉnh”.

Thời gian đầu, chị Phượng làm gia công cho em gái, nhưng chủ yếu làm lá, cành, cánh hoa... Khi làm được tác phẩm hoàn chỉnh, chị bắt đầu đi chào hàng ở các chợ tại Sóc Trăng. Để tìm đầu ra cho hoa đất sét, chị Phượng đăng bán trên trang cá nhân Zalo, Facebook...

Đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chị Phượng đầu tư mua đất sét, màu, khuôn, chì, máy ép…

Đặc biệt, chị Phượng cũng tìm tòi, sáng tạo để làm ra nhiều loại hoa, cây ăn trái lạ, đẹp mắt và có nhiều màu sắc khác nhau.

Chị Phượng chia sẻ: “Khó nhất là phải biết nặn đất, se lá, bông và phối màu để khách hàng nhìn vào thấy hoa giống như thật. Người làm hoa phải có đôi tay phải khéo léo, đam mê, chịu khó, có sự sáng tạo, có cặp mắt thẩm mỹ và cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ.

Làm hoa đất sét chủ yếu sử dụng đầu ngón tay, se đất từng chút một để tạo kiểu cho hoa. Khó và kỳ công nhất là khi nặn nhụy, phải tỉ mỉ. Để làm ra chậu hoa hoàn chỉnh, mất 1 ngày hay vài ngày, tùy chậu hoa lớn, nhỏ.

Ưu điểm của hoa đất sét là bền, đẹp, giống hoa thật và giá rẻ. Nhiều năm nay, nghề làm hoa đất sét đã giúp gia đình có nguồn thu nhập nên tôi không còn nuôi heo, trồng màu”.

Tạo việc, có thu nhập ổn định

Theo chị Phượng, nghề làm hoa đất sét có nguồn gốc từ Thái Lan. Khâu nguyên liệu để làm ra sản phẩm, như: đất sét, màu, mẫu hàng hóa... đều được mua từ TP Hồ Chí Minh. Ngoài những chậu hoa sen, lan, cúc, chị Phượng còn làm cây xoài, đu đủ, thanh long… với đủ màu sắc và đẹp tự nhiên.

Chậu hoa có giá thấp nhất khoảng 50.000 đồng, cao hơn thì từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hiện nay, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, ngoài khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, khách trong tỉnh cũng tìm đến nên chị phải huy động thêm nhân công.

Chị Danh Thị Ngọc Huyền cho biết: “Trước đây, tôi đi làm thuê ở địa phương để trang trải cuộc sống khó khăn. Những lúc rảnh rỗi, chị Phượng khuyến khích và dạy tôi học cách làm hoa đất sét. Bây giờ, một ngày chị Phượng trả công 150.000 đồng. Hơn 5 năm nay, nhờ nghề làm hoa đất sét, gia đình có thêm thu nhập, dần dần ổn định cuộc sống”.

Em Thạch Thị Ngọc Hoàng, 15 tuổi ở ấp Phú Tức, nói: “Nhà em nghèo, cha mẹ đi chặt củi mướn, em học hết lớp 3 là nghỉ. Thấy vậy, cô Phượng dạy nghề làm hoa đất sét và cho em ở trong nhà suốt nhiều năm nay. Hiện nay, cô Phượng trả công trên 3,5 triệu đồng/tháng, em vừa có nghề sinh sống, vừa có tiền phụ giúp cha mẹ”.

Gần 10 năm nay, cơ sở làm hoa đất sét của gia đình chị Phượng giải quyết việc làm cho hơn 15 chị em phụ nữ tại địa phương.

Chị Lâm Thị Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ, cho biết: “Xã đã làm hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận sản phẩm hoa đất sét đạt chuẩn OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm).

Đồng thời, Hội sẽ hỗ trợ vốn vay ưu đãi để chị Phượng mở rộng kinh doanh, dạy nghề cho phụ nữ địa phương, giúp các chị có thêm thu nhập khi nhàn rỗi, góp phần giảm nghèo trong hội viên, nhất là hội viên là đồng bào dân tộc Khmer”.

Theo DUY ANH (Báo Cần Thơ)