ĐBSCL: Xây dựng 200 chuỗi cung ứng nông sản an toàn

Cập nhật, 05:11, Thứ Ba, 24/12/2019 (GMT+7)

Cùng với xu thế phát triển kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất, vùng ĐBSCL đã xây dựng 200 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, chiếm 16% tổng số chuỗi cung ứng nông sản an toàn của cả nước với 336 sản phẩm.

Tại Vĩnh Long, đã xây dựng mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản cho 2 hợp tác xã.

Các mô hình sản xuất hiệu quả tiếp tục được triển khai và nhân rộng, các sản phẩm chủ lực như khoai lang, cây có múi tăng diện tích và nhiều nông sản như lúa, khoai lang, cam, bưởi… tiếp tục hướng đến liên kết chuỗi và sản xuất đạt chất lượng (GAP, hữu cơ,…).

Toàn vùng còn có 206 thương hiệu nông sản, chiếm 24,2% và đứng thứ hai của cả nước, chỉ sau khu vực miền núi phía Bắc; trong đó, có 9 thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý, 171 sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu tập thể, 26 sản phẩm nông sản có nhãn hiệu chứng nhận.

Tại ĐBSCL cũng đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên” như: mô hình lúa- tôm (Kiên Giang, Bạc Liêu); mô hình tôm- rừng sinh thái ở vùng ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng); mô hình đa canh kết hợp lúa- màu- chăn nuôi trên các vùng giồng cát ven biển, vùng nước lợ (Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), trồng dứa thích ứng với xâm nhập mặn (Hậu Giang); sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, TP Cần Thơ).

NGUYỄN XUÂN