Nhớ mùa dâu Cái Tàu

Cập nhật, 10:35, Thứ Ba, 04/06/2019 (GMT+7)

Dâu Cái Tàu là sản vật nức tiếng xa gần của địa danh U Minh. Không chỉ là loại trái cây, dâu Cái Tàu còn là một thương hiệu, một loại hình trải nghiệm du lịch sinh thái nhà vườn và cũng là nét văn hoá rất độc đáo.

Dâu mất mùa, gia đình ông Thặng thất thu, nhưng lo lắng lớn nhất của ông là thân phận của cây dâu trên đất Cái Tàu trong tương lai.
Dâu mất mùa, gia đình ông Thặng thất thu, nhưng lo lắng lớn nhất của ông là thân phận của cây dâu trên đất Cái Tàu trong tương lai.

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự thông tin: “Cây dâu trước đây được trồng khá phổ biến ở Nguyễn Phích, song giá trị kinh tế không cao. Người ta trồng chơi, trái cũng chỉ để ăn cho vui miệng. Nhiều người không mặn mà nên phá bỏ. Sau này có người lập vườn, giữ cây dâu và gắn với các hoạt động trải nghiệm du lịch”. Từ một loại cây tưởng chừng vô giá trị, vườn dâu trở thành điểm đến có sức hút với rất nhiều du khách…

Dâu Cái Tàu - niềm tự hào của người Nguyễn Phích

Tìm về vườn dâu của ông Lữ Minh Thặng, thuộc Rạch Chệt, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, một trong những vườn dâu lớn nhất của U Minh, mới thấy hết sự tự hào của người dân đối với loại sản vật độc đáo này. Theo ông Thặng, cây dâu vàng đã mọc ở đất Nguyễn Phích từ xa xưa. Nói tới dâu Cái Tàu là phải nói đến giống dâu vàng. Còn dâu xanh sau này được người dân nhập về. Ông Thặng cho biết: “Cây dâu coi vậy chớ không phải dễ trồng. Phải bao khuôn liếp, ngọt hoá, giồng cao thì mới sống được”. Bởi vậy từ khi người người ở Ấp 3 chuyển qua nuôi tôm, diện tích vườn dâu cứ teo tóp dần. Đến nay chỉ còn vài nhà quyết gìn giữ cây dâu.

Hơn 150 gốc dâu của ông Thặng được trồng từ sau tiếp thu. Với dâu vàng, phải 7 năm mới có trái, còn dâu xanh khoảng 5 năm. Nói về trái dâu, ông Thặng ví von rất hay: “Dâu Cái Tàu cũng như người phụ nữ ở đây vậy. Bám đất phèn để xanh tốt, chua thanh và có dư vị ngọt ngào”. Nghe đâu thời xa xưa, lúc vua Gia Long Nguyễn Ánh chạy loạn, cũng đã từng nếm thử hương vị dâu Cái Tàu và rất yêu thích. Đã có giai đoạn, cứ đất vườn ở Nguyễn Phích thì sẽ có cây dâu. Người ta trồng có khi chỉ để trồng, để ngắm mùa trái dâu vàng rộ, chớ chẳng cần bán buôn hay giá trị kinh tế.

Cây dâu coi vậy mà khó trồng so với những loại nông sản khác. Với kinh nghiệm cả đời trồng dâu, ông Thặng cho biết: “Trái dâu muốn ngọt phải sa mưa. Mùa trái nhiều, mùa trái ít. Còn như năm nay, chỉ ra vài chùm”. Như lời ông Thặng, trước đây vườn dâu năm nào trái cũng oằn cây, tới gốc, phủ lên cả mặt đất. Nhưng mấy năm gần đây thì thất thường. Năm 2018, vườn dâu của ông Thặng đón hàng ngàn lượt khách, thu về cả trăm triệu đồng tiền bán vé. Hỏi ông, dâu Cái Tàu đặc sắc nhất ở điểm gì, ông Thặng chậm rãi: “Dâu vàng chụp hình đẹp lắm à. Cái nữa là người ta thấy ngộ. Ở vùng đất phèn trũng này có loại trái cây ăn lạ miệng lại có duyên hậu”.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu vườn, nhìn những gốc dâu cổ thụ, ông Thặng tâm sự: “Trước giờ ông bà, ba má tôi vẫn trồng dâu, sau này tôi kế tục. Nói vậy chớ thấy cây dâu là thấy nhớ đất đai, xứ sở của mình liền hà”. Bao nhiêu người khi đi xa, trong dư vị tha hương là cái chua chua thấm sâu vào thớ lưỡi. Là lắng lại biết bao ngọt ngào của tình đất, tình người. Dâu Cái Tàu coi vậy chớ ai đã sinh trưởng ở đất này thì có chết cũng không thể quên được. Lần chỉ từng cây dâu, ông Thặng chỉ luôn "tánh nết" của nó, thời điểm trồng, trái mọc chỗ nào lớn hơn, ngọt hơn. Trong đôi mắt của ông là sự hàm ơn, sự gắn bó chân thành với vườn tược, cây cối và với sản vật độc đáo của quê hương.

Dâu mất mùa - thất thu du lịch

Năm nay, vườn dâu của ông Thặng không ra trái. Ông Thặng nói, chắc giờ đất nhiễm phèn mặn rồi, dâu sống còn èo uột, huống hồ gì có trái. Bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông Thặng, rầu rầu: “Năm trước lễ 30/4, khách tới quá trời. Dâu ở đây người ta khen ngon, trái lớn. Còn năm nay chỉ ra vài chùm, có cây không có trái nào luôn”. Vừa nghe điện thoại của khách, ông Thặng cứ phân bua: “Năm nay dâu không có trái mấy đứa ơi! Ờ, thông cảm cho chú, nếu năm sau có trái chú cho hay liền”. Chỉ trong buổi sáng, điện thoại của ông reo liên tục. Có khách không tin, nhất quyết cứ đòi ra coi thử vì sợ chủ nhà… giấu.

Vườn dâu Cái Tàu từng là điểm đến thu hút nhiều du khách.
Vườn dâu Cái Tàu từng là điểm đến thu hút nhiều du khách.

Trong khi những mảnh vườn lân cận đều đã cải tạo để nuôi tôm, cua với thu nhập quanh năm. Vườn ông Thặng vẫn nặng tình, nặng nghĩa với cây dâu với một mùa cho trái duy nhất. Cả năm cũng trông chờ dâu ra trái ngay mùa nghỉ lễ, thu nhập nhiều thì hơn trăm triệu, ít thì vài chục triệu. Vậy nên khi dâu không có trái, những người chủ vườn cũng mang nặng suy tư, trăn trở. Ông Thặng tính: “Bây coi, có trái một năm rồi "điếc" ba bốn năm, kiểu này chắc phá vườn nuôi tôm quá. Chớ còn chi phí sinh hoạt, con cái học hành nữa, đâu kham nổi”. Tự nhiên chúng tôi thấy lo lắng. Sợ một ngày nào đó đất Nguyễn Phích không còn cây dâu. Sợ một ngày nào đó không còn thấy dáng các chị, các mẹ, các em bên chiếc áo bà ba, vành nón lá nghiêng nghiêng và trên tay là một rổ dâu vàng rộm, đầy mùa.

Lữ Hằng Mai, con gái út của ông Thặng, là sinh viên ngành luật mới tốt nghiệp. Mai nói, đi xa quê rồi mới nhớ mùa dâu. Mùa dâu là mùa vườn tược của Nguyễn Phích rực rỡ nhất, tươi đẹp nhất. Cắn trái dâu đầu mùa, kèm theo ít muối ớt, cái nắng chang chang của tháng hạn cũng phải dịu lại bảy phần. Khách tới bên vườn dâu, mân mê những chùm trái trĩu cành, thưởng thức loại nông sản sạch thuần khiết trong sự chân tình, nồng hậu của người dân quê thì còn gì bằng. Mai cùng với mẹ cứ năn nỉ tía giữ lại vườn dâu. “Kệ, năm nay không có thì năm sau. Chớ dâu mình chặt phá đi rồi thì sau này tiệt giống, phải không anh?”, Mai hỏi. Ờ thì phải. Lỡ mai này dâu Cái Tàu không còn, xứ sở U Minh chắc mất đi vài phần thi vị, độc đáo. Rồi mùa chớm mưa, tìm đâu thấy những ký ức xa xưa…

Có mấy đoàn khách tiu nghỉu nhìn những gốc dâu vẫn xanh lá nhưng chỉ có vài trái, ông Thặng cứ giải thích: “Tại năm nay thời tiết hay sao đó mấy đứa, dâu còn tốt cây quá trời mà hổng chịu ra trái”. Nghe ông nói, dường như dâu không có trái là do lỗi của ông vậy. Tôi hiểu ông. Đó không chỉ là sự tiếc nuối vì thất thu một mùa du lịch mà còn là sự lo lắng đối với thân phận của cây dâu trên đất Cái Tàu. Dắt khách ra tận gốc cây để tận mắt chứng kiến cảnh dâu mất mùa, ông chủ vườn cứ lủi thủi, héo hắt. Khách cũng buồn thiu, không thèm để ý đến mấy câu hỏi bâng quơ của anh nhà báo. Ờ thì, dâu không có trái, còn nói năng chuyện gì nữa.

Trên đường về, cứ nghĩ về chuyện dâu mất mùa, chuyện so sánh trái dâu với người con gái Cái Tàu, về những người nông dân quyết gìn giữ nếp xưa của ông bà tổ tiên, tôi chợt nhận ra rằng: Hồn đất, hồn người, tình xứ sở vẫn ở đó. Lẩn khuất và dung dị với những điều đơn giản nhất. Mùa dâu sẽ còn oằn trái, nếu vẫn còn những con người như ông Thặng. Mặc cho phèn mặn. Mặc cho cuộc đời thay đổi…/.

Theo Báo Cà Mau