Long đong nuôi vịt chạy đồng

Cập nhật, 13:53, Thứ Bảy, 19/12/2015 (GMT+7)

Nuôi vịt chạy đồng là nghề mưu sinh của nhiều người dân miền Tây. Vất vả, cực nhọc, quanh năm lấy đồng ruộng làm nhà, nhưng đôi khi đó lại là cái nghiệp.

Khi nuôi vịt chạy đồng thì người nuôi vịt phải chịu cảnh rày đây mai đó.
Khi nuôi vịt chạy đồng thì người nuôi vịt phải chịu cảnh rày đây mai đó.

Rong ruổi xứ người

Những ai đã gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng thì không còn lạ gì chuyện phơi nắng dầm sương, quanh năm theo vịt tha phương. Khi những ruộng lúa vừa được thu hoạch xong, chỉ còn trơ lại gốc rạ cũng là lúc người nuôi cho vịt chạy đồng đến ăn. Vịt thường ăn vét những hột lúa rụng và cua, ốc, dế,...

Theo nhiều người nuôi vịt chạy đồng, đây là phương pháp nuôi giúp giảm chi phí thức ăn. Với cần trúc, ngọn tre làm cờ kè kè bên tay, người chăn vịt ngồi trên chiếc xuồng hoặc lội đồng, rong ruổi từ ngày này qua tháng nọ cùng đàn vịt. Sáng sáng lùa đi, tối tối lùa về nhốt tạm ở những chuồng đơn sơ quây cạnh bờ kinh, góc ruộng. Và khi hết vụ, không còn thức ăn ở cánh đồng này thì người dân lại “chạy vịt” sang cánh đồng khác.

Nuôi vịt chạy đồng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cuộc sống của chủ vịt thường gặp nhiều khó khăn, từ chi phí vận chuyển vịt, phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, đến tiền mua đồng (ruộng sau khi gặt) cho vịt...

Thường xuyên xa nhà nên người nuôi vịt phải chuẩn bị nhiều thứ trước mỗi chuyến đi. Nào là mùng mền, chiếu gối, quần áo, thuốc men phòng khi trái gió trở trời... Nuôi vịt chạy đồng gần 10 năm, anh Huỳnh Văn Thân (Vũng Liêm) cho biết: “Nhà ít đất nên phải chạy vịt để kiếm thêm thu nhập. Nuôi lần từ vài trăm đến cả ngàn con, nếu không chạy đồng thì sao chịu nổi? Nhiều khi xa nhà cả mấy tháng trời, nhớ nhà, nhớ con lắm nhưng cũng phải ráng”.

Anh Phạm Hoàng Hôn (Trà Ôn) cũng chia sẻ: “Cái nghề này đã gắn với tôi từ lâu lắm. Những năm trước, tôi theo gia đình đi khắp nơi, ở đâu có đồng lúa vừa thu hoạch là đến xin hoặc mua đồng cho vịt ăn. Đồng bằng này hầu như nơi nào tui cũng đến vài lần hết rồi”.

“Còn đồng trống là còn vịt chạy đồng

Ông bà ta từ xưa đã có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” cho thấy tính bấp bênh của nghề nuôi vịt. Ấy vậy mà nhiều người vẫn phải bám theo nghề để mưu sinh.

Để có diện tích đủ lớn cho vịt tung hoành, người nuôi vịt phải thuê đất của chủ ruộng, khoảng 10.000 đ/công. Giống vịt được chuộng nuôi chạy đồng phổ biến là vịt tàu, là loại vịt nhỏ con, đầu nhỏ, mỏ khỏe, cổ dài, chân vàng thấp nhưng nhanh nhẹn, khả năng kiếm mồi tốt và vừa cho thịt, vừa cho trứng.

Chúng chống chịu tốt với điều kiện chăn thả ngoài đồng, có khả năng kháng nhiều bệnh, tăng trưởng tốt. Giống này lông nhiều màu sắc, nuôi từ 140- 150 ngày thì đẻ, mỗi năm đẻ từ 180- 220 trứng/con.

Khi thả vịt, để tránh lẫn lộn, chủ sẽ sơn màu vào cánh vịt. Mỗi đàn vịt có một màu sơn và vị trí sơn cũng khác nhau. Gần 20 năm nuôi vịt đẻ chạy đồng, chú Trần Minh Tân (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) cho biết: “Người nuôi thường thu hoạch trứng từ 3 giờ sáng, vào thời điểm này, đa số vịt đã “rớt hột” và phải nhặt ngay”. Trứng được phân loại thành 3 dạng: trứng cồ (loại to nhất) có giá từ 2.200 đ/trứng, trứng lạt (loại phổ biến) từ 1.700 đ/trứng và loại dạt.

Nghề nuôi vịt chạy đồng đã giúp không ít gia đình có đồng vô đồng ra. Nuôi vịt chạy đồng đồng nghĩa với việc mọi hy vọng đều đổ dồn vào đàn vịt. Trúng thì có thể đổi đời, nhưng nếu không may gặp dịch bệnh hay rớt giá thì coi như mất trắng lại thêm nợ nần. Như dịch cúm gia cầm những năm gần đây khiến không ít người nuôi vịt lao đao, có người phải bỏ nghề đi làm thuê trả nợ.

Chú Tân nói thêm: “Mỗi lần có vài con vịt mắc bệnh là mình mất ăn mất ngủ lo chạy chữa, vì sợ vịt bị cúm rồi phải tiêu hủy cả đàn. Hiện nay, nuôi vịt chạy đồng càng khó khăn hơn do phải di chuyển đồng xa, phải đăng ký thú y để kiểm soát sự an toàn của đàn vịt. Ngoài ra, người nuôi tốn nhiều chi phí thêm về tiêm ngừa, điều trị bệnh khác và còn tốn thêm chi phí “mua đồng”. Ngược lại, giá vịt thịt và trứng vịt cũng không ổn định, thường giảm. Hiện tại giá từ 2.000- 2.200 đ/trứng, nếu chỉ cho vịt ăn thức ăn hoặc lúa thì người nuôi phải chịu lỗ.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Nuôi vịt chạy đồng là nghề truyền thống, tập quán có từ xa xưa của người dân, không thể bỏ được cũng khó có thể chuyển đổi được. Đồng ruộng còn thì nuôi vịt chạy đồng còn. Nuôi vịt chạy đồng đem lại nhiều ưu thế nên được người dân chuộng hơn như trứng vịt to, thịt vịt ngon, lại tiết kiệm chi phí hơn nuôi tập trung. Nhưng gần đây, nuôi vịt chạy đồng đã giảm nhiều hơn trước do người dân làm 3 vụ lúa, đồng trống để vịt ăn rất ngắn ngày nên một số người dân chuyển sang nuôi vịt tại chỗ hoặc tập trung. Hiện nay, ý thức tiêm phòng của người dân khi nuôi vịt chạy đồng khá cao, và đã biết chủ động thông báo với địa phương khi có vịt đến để ngành chức năng kịp thời triển khai công tác tiêm phòng.

Nuôi vịt chạy đồng là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở miền Tây. Song nỗi lo dịch bệnh, giá cả, khiến nghề nuôi vịt đồng và người nông dân ít nhiều trăn trở để làm sao có thể vừa bảo đảm đời sống kinh tế vừa giữ nghề.

Bài, ảnh: TUYẾT NHI- THẢO LY