Hạn mặn gay gắt, lúa tôm lay lắt

Cập nhật, 14:46, Thứ Ba, 08/12/2015 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài, hạn và mặn đến sớm khiến nhiều cánh đồng lúa được gieo sạ trên đất nuôi tôm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL bị thiệt hại nặng. Tính đến tuần đầu tháng 12-2015, đã có hàng chục ngàn hécta lúa tôm chết la liệt…

Nông dân bất lực nhìn lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn về sớm Ảnh: NGỌC CHÁNH
Nông dân bất lực nhìn lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn về sớm Ảnh: NGỌC CHÁNH

Bất lực

Nhiều ngày qua, thời tiết ở các tỉnh ĐBSCL nắng như đổ lửa khiến những hộ trồng lúa trên đất nuôi tôm đứng ngồi không yên, vì lúa khô héo và chết dần.

Giữa nắng trưa gay gắt, đang cố gắng bơm nước từ sông vào cánh đồng để cứu lúa, lão nông Nguyễn Văn Khù (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) quay sang chúng tôi thở dài: “Từ khi chuyển dịch trồng lúa trên đất nuôi tôm, chưa năm nào khó “ăn” như năm nay. Nắng gì quá gắt khiến con người còn hốc hác, nói gì tới lúa mới gieo sạ”.

Theo ông Khù, hồi đầu vụ, ông đã chủ động bơm nước rửa phèn mặn đến 3 lần rồi mới gieo sạ. Khi xuống giống xong, phải dặm lại thêm lần nữa cho “chắc ăn”.

Ban đầu lúa phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây do nắng kéo dài nên độ mặn trên vuông tôm tăng cao, khiến lúa èo uột và chết dần, bất chấp mọi sự cứu chữa.

Vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp (nằm trong dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau) có diện tích đất tự nhiên và đất sản xuất hơn 300.000ha.

Thời gian qua, dù đã được Chính phủ đầu tư xây dựng thủy lợi, nạo vét hơn 1.000km kênh trục lớn và xây hàng trăm cống, đập phân chia mặn - ngọt; nhưng nhìn chung, hệ thống thủy lợi vẫn chưa được khép kín nên cứ tới mùa khô lại bị nước mặn xâm nhập. 

Ghi nhận thực tế tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… chúng tôi thấy nhiều cánh đồng lúa không xanh màu như các năm trước; thay vào đó, nhiều cọng lúa đã héo vàng, có ruộng khô nước, lúa chết đứng...

Chỉ tay vào ruộng lúa xuống giống được đã gần 60 ngày, ông Trần Thanh Tùng (xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) nói: “Nắng quá làm nước bốc hơi nhanh, độ mặn cao, nên lúa không phát triển được, đọt lúa héo vàng và chết dần. Vụ này gia đình tôi tốn hơn 4 triệu đồng bơm nước rửa phèn, mướn gieo sạ… xem như “trả địa”, chẳng thu hoạch được giạ lúa nào”.

Tại Kiên Giang, tình hình lúa tôm còn thảm hơn. UBND xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết:

“Vụ này người dân trong xã sản xuất hơn 3.200ha lúa mùa trên đất tôm. Khi lúa được 30 ngày tuổi trở đi, gặp hạn nặng và mặn về sớm, không có mưa trái mùa nên lúa khô héo đầy đồng. Có hộ thấy lúa chết hết nên nóng lòng mua giống về sạ lại lần 2, rồi lần 3… nhưng lúa vẫn chết, bởi độ mặn bên ngoài quá cao, 7 - 8‰. Khảo sát mới nhất cho thấy, diện tích lúa thiệt hại đã gần 100%”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, toàn huyện xuống giống 15.800ha lúa mùa thì đến nay đã khoảng 9.500ha bị thiệt hại; trong đó 3.500ha mất trắng, con số cao nhất từ trước tới nay.

Công bố thiên tai?

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều nông dân cho biết, năm nay lượng mưa ít và không mưa lớn nên thiếu nước để rửa mặn cho đất. Thêm nữa, nắng quá nóng làm đồng ruộng cạn nước nhanh, độ mặn tăng lên nên cây lúa không phát triển được, dẫn đến thiệt hại trắng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, vụ lúa mùa 2015-2016, nông dân các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng… xuống giống hơn 57.787ha. Đến thời điểm này đã có khoảng 25.124ha bị nhiễm mặn và thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau.

Nguyên nhân do vùng này không chủ động được nguồn nước ngọt, phải phụ thuộc vào mưa nên… chịu thua! Tỉnh Cà Mau năm nay có kế hoạch sản xuất lúa trên đất nuôi tôm khoảng 42.800ha, nhưng thời tiết bất lợi nên chỉ xuống giống được 32.320ha và những ngày qua đã có 13.100ha bị thiệt hại.

Ông Dương Quốc Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Vấn đề lo ngại hiện nay là hạn mặn tiếp tục gay gắt khiến nhiều đồng lúa mùa héo dần. Các giải pháp tình thế cứu lúa hiện giờ đều không mang lại hiệu quả”.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình (Cà Mau) kiến nghị Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh Cà Mau xem xét công bố thiên tai. Vì chỉ khi UBND tỉnh công bố thiên tai thì người dân mới đủ điều kiện được hỗ trợ, nhằm giúp bà con bớt khó khăn phần nào trong vụ lúa thất bát này.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đang yêu cầu các huyện thống kê chính xác diện tích lúa mùa bị thiệt hại, mức độ ra sao, khu vực nào nhiều… để sở báo cáo cụ thể với UBND tỉnh đề xuất việc công bố thiên tai, sau đó mới có chính sách cấp thiết hỗ trợ nông dân.

“Về lâu dài, tỉnh sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất lúa mùa trên đất nuôi tôm hợp lý hơn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng hệ thống thủy lợi và hàng chục cống ngăn mặn tại các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên… nhằm đảm bảo việc ngăn mặn và chủ động nước ngọt. Khi hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh và việc sản xuất lúa mùa không còn phụ thuộc vào nước mưa, mới mong tránh được thiệt hại do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp”, ông Củi nói.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đang lên kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn với từng vùng cụ thể. Trong đó, chú trọng củng cố bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nạo vét các kênh trục, kênh tạo nguồn để kịp thời ngăn mặn, trữ nước, cấp thoát nước phục vụ sản xuất trong mùa khô nhằm giảm bớt thiệt hại...

Theo http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2015/12/405208