Văn hóa bán hàng: việc cỏn con nhưng ảnh hưởng lớn

Cập nhật, 14:01, Thứ Sáu, 08/07/2016 (GMT+7)

 

Qua đào tạo, nhân viên bán hàng sẽ chuyên nghiệp hơn.
Qua đào tạo, nhân viên bán hàng sẽ chuyên nghiệp hơn.

“Không chịu thì đi chỗ khác mua”, “cái này mắc lắm làm hư có tiền đền không”, hay khi lựa mà không mua hàng “sáng sớm gặp thứ gì đâu không” kèm theo những cái lườm nguýt, liếc xéo... là những tình huống không ít người gặp khi mua hàng.

Kiệm cười, coi thường khách

Một doanh nghiệp (DN), một cửa hàng muốn tồn tại, hoạt động hiệu quả thì kỹ năng bán hàng của đội ngũ bán hàng được xem là yếu tố then chốt để đem lại doanh thu. Văn hóa bán hàng tuy là yếu tố nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự thịnh suy của cửa hàng,
công ty.

Trong khi nhiều DN đang chạy đua, cạnh tranh làm sao để lôi kéo khách hàng về phía mình từ cải tiến sản phẩm, mẫu mã đến chế độ chăm sóc khách hàng thì vẫn còn không ít nơi chỉ chú ý đến doanh thu.

Quên câu “khách hàng là thượng đế”, nên nhiều “thượng đế” vẫn bị người bán hàng “coi mặt bắt hình dong”, tỏ thái độ coi thường vì vẻ ngoài tuềnh toàng hay đi xe “rẻ tiền” hoặc tỏ thái độ bất cần: “không có khách này thì có khách khác, thiếu gì người mua”.

Từng bị coi thường vì vẻ bên ngoài, chị Lê Thu Thảo (Long Hồ) cho biết: “Hôm đó tôi ghé một cửa hàng quần áo gần nhà mua đồ đi du lịch. Thấy tôi mặc đồ bộ, nhân viên bán hàng đang giũa móng tay, lơ lơ chỉ đồ đi biển bên đó đó.

Sau đó, có một khách ăn mặc sang trọng vào thì nhân viên này chạy lại đon đả chào hỏi “cô muốn mua gì, đợt này nhiều hàng mới lắm, con lấy cho cô xem nhe”. Tôi thấy rất bực bội, đâu ra kiểu bán hàng “nhất bên trọng nhất bên khinh” như vậy.

Còn chị Nguyễn Thị Nguyên (xã Chánh Hội- Mang Thít) thì rất bức xúc vì thái độ bán hàng quá tệ của một cửa hàng bán vật liệu xây dựng.

Chị bực tức nói: “Tôi đi mua hàng, đã thanh toán gần hết và dặn sáng hôm sau giao hàng sớm để thợ hồ làm vậy mà đến gần 13 giờ mới đem hàng tới. Nhưng không đúng sản phẩm đã thỏa thuận nên phải đem trả lại. Vậy mà cửa hàng không đồng ý, đòi thêm tiền vận chuyển, còn lớn tiếng mắng chửi khó nghe. Nhân viên cửa hàng còn hùa nhau chì chiết… Đành ngậm bồ hòn… mà tức, vì thái độ ứng xử quá tệ như vậy”.

Bà Huỳnh Thị Thùy Linh- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) cho rằng thực tế hiện nay người bán hàng chỉ chú trọng khâu bán, làm sao bán được nhiều hàng nhất với giá cao nhất, mà quên đi việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng và nắm bắt thông tin về nhu cầu của khách hàng.

Kỹ năng bán hàng-cần phải học

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long tổ chức lớp “Kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng và quản lý quan hệ bán hàng” cho hơn 50 học viên đến từ nhiều DN trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, học viên nắm vững quy trình bán hàng cơ bản và ứng dụng các chiêu thức bán hàng trong bối cảnh cạnh tranh, đa dạng hàng hóa, giá cả và dịch vụ, đồng thời thực hành và áp dụng các kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng.

Chị Trương Ngọc Hên- nhân viên Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi luôn lấy câu “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” làm phương châm bán hàng. Người bán hàng phải luôn luôn tôn trọng khách hàng, đối xử với khách hàng bằng sự chân thành với phong thái phục vụ tốt nhất có thể.

Có bán được hàng, có mang lại doanh thu hay không là phụ thuộc nhiều vào nhân viên bán hàng, phải biết cách giao tiếp, ứng phó với khách khó tính và hơn hết là giữ mối quan hệ về lâu dài. Có thể lần đầu khách không mua nhưng lần 2, lần 3 sẽ tìm đến mình vì thái độ phục vụ”.

Có thể thấy, chào mời, tiếp đón khách và tạo mối quan hệ thân thiện với khách cũng được xem là một “nghệ thuật”, một ưu điểm lợi thế của kỹ thuật làm thương mại. Phải để khách hàng có tâm lý thoải mái, vui vẻ mỗi khi bước vào cửa hàng mà không sợ sệt hay lo ngại bị bắt bẻ, la mắng, khó chịu.

Và khi ra khỏi cửa hàng ai cũng cảm thấy an vui, nhẹ nhàng dù cho trên tay họ không mua món gì, đó mới chính là sự thành công cho cửa hàng. Nhân viên bán hàng được xem là bộ mặt của công ty, cửa hàng. Vì thế, kỹ năng bán hàng là rất cần thiết.

Chị Nguyễn Duyên Anh (Phường 8- TP Vĩnh Long) chia sẻ: Trước giờ ít khi tôi đôi co với người bán hàng, nếu thái độ họ không tốt thì không bao giờ quay lại. Thời buổi buôn bán cạnh tranh mà thái độ phục vụ không tốt thì dần dần mất khách là chuyện đương nhiên. “Dù sản phẩm tốt mà cách tiếp đón, giao tiếp với khách quá tệ thì ai mà ghé mua”- chị Anh đúc kết.

Bài, ảnh: THẢO LY