Rau màu Ngãi Tứ sẵn sàng đón tết

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 26/01/2021 (GMT+7)

(VLO) Men theo những con đường nhựa về các ấp An Phong, An Thới, Bình Quí… của xã Ngãi Tứ (Tam Bình), những giàn dưa leo, khổ qua, mướp, bầu bí… thẳng tắp đã oằn trái, chuẩn bị ra thị trường tết.

Nhiều nông dân trồng đa dạng hóa rau màu để phục vụ tết.
Nhiều nông dân trồng đa dạng hóa rau màu để phục vụ tết.

Đa dạng hóa màu

Mấy ngày này, vợ chồng anh Huỳnh Văn Nhân (ấp An Phong) không ngơi tay chăm sóc cho rau màu chuẩn bị Tết Nguyên đán sắp tới. Anh Nhân đang tưới giàn dưa leo trải dài tít tắp, còn vợ anh thì đang xuống dây dưa mới cho vụ sau ở mảnh đất cách đó không xa.

Thông thường, gia đình anh Nhân chỉ thả giàn dưa leo, khổ qua luân phiên giữa các ruộng để “ngày nào cũng có cắt” nhưng lối tết và đặc biệt là tết năm nay anh trồng nhiều loại rau màu hơn.

“Để đa dạng hóa rau củ cho chợ tết và cho nhà mình ăn luôn”- anh Phong nói tiếp: “Năm nay, tôi trồng thêm dưa hấu, củ cải trắng, cải mần dưa, đặc biệt là bông cải xanh và bắp cải tím nữa, thấy ngon cơm không?”

Anh Phong chỉ tay vào những cây cải lá rộng, xanh lơ cứng cáp như cải rổ và những cây cải lá to có gân tím, giới thiệu: “Tui trồng thử nghiệm 2 loại này ở xứ mình coi nó chịu không, ai ngờ nó tốt vầy á, cũng có thể do năm nay lạnh nữa”.

Rút kinh nghiệm từ chợ tết những năm trước, năm nay anh Nhân trồng nhiều loại rau màu cho “chắc ăn”. Nói như vậy vì thị trường rau màu tết thường không ổn định, có những loại hút hàng lên giá, nhưng cũng có loại rớt giá thê thảm.

Nếu chỉ đầu tư vào một loại rau màu thì rủi ro rất cao, trong khi rau màu phải cắt một ngày hoặc cách ngày không như con heo, con gà… nếu không có giá thì nuôi thêm ít bữa!

Cũng như anh Nhân, anh Trần Thanh Phú (ấp An Thới) với gần 9 công màu tết trồng 3 loại: cà phổi, mướp và khổ qua. Anh Phú nói: “Mọi khi tui trồng dưa leo nhưng dưa leo thì rủi ro cao lắm có khi cân 10.000 đ/kg, cũng có dạo 1.000 đ/kg mà mình phải năn nỉ lái mới vô mua”.

Tay thoăn thoắt hái loại bỏ những trái cà xấu, anh Phú nói tiếp: “Cà này ăn tới qua tết khỏe ru nhe, giá giờ 10.000 đ/kg. Cách ngày hái cũng được 100kg. Đám khổ qua bên kia tui trồng tới 5 công, nhìn đã lắm, có trái đúng tết để ăn cho cái khổ nó qua mà”.

Anh Nhân nói: Dưa leo không ưa lạnh nên dịp tết này năng suất bị ảnh hưởng.
Anh Nhân nói: Dưa leo không ưa lạnh nên dịp tết này năng suất bị ảnh hưởng.

Cực mà vui

Với diện tích màu đó, gia đình anh Phú 4 người làm không xuể, những lúc đông ken, công việc nhiều phải thuê thêm người mới kịp. Anh Phú cười: “Làm nông phải cực tay chân rồi à, mà làm rẫy cực gấp đôi ba lần mần ruộng, bù lại lời cũng gấp đôi 3 lần”.

Từ 20 năm trước “nhà đông con, đất không nhiều, ruộng lúa lời lóm không được là bao”, nên anh Phú chia sẻ: “Gia đình lên giồng trồng rẫy. Nhà tui là một trong mấy nhà trồng màu trên đất lúa sớm nhất cái xã này”.

Nhờ trồng rẫy mà cất được nhà, mua thêm đất cuộc sống cũng sung túc hơn. Bản thân anh Phú cũng là nông dân sản xuất giỏi và là Tổ trưởng Tổ hợp tác Rau an toàn của ấp An Thới.

Nâng niu những trái cà phổi chưa ăn đã thấy “ngọt con mắt”, anh Phú cho hay: “Chăm sóc kỹ lắm mới được vậy đó, nào là rải phân, nhổ cỏ, tưới nước. Mà phân thì phân hữu cơ chủ yếu để tăng dinh dưỡng cho đất mà rau củ nó an toàn hơn”.

Với rẫy cà, mướp, khổ qua hiện nay, cả nhà anh Phú phân công việc ra để “sáng tưới chiều cắt”.

Cái khó của nghề trồng rau màu tết là dường như không có thời gian đi chơi tết như làm ruộng. Chỉ lối 29 hay 30 tết, nông dân mới “cắt ép” xíu để lái nghỉ buổi chợ mồng 1 tết, mồng 2 lái bán lại bình thường vậy là nông dân lại ra ruộng mồng 1 bởi rau màu cũng phải cắt trong ngày để đảm bảo độ tươi non, ngon ngọt.

Anh Nhân nói: “Tết nhứt cũng ở ngoài rẫy miết thôi, làm sao mà bỏ được nhưng được cái cực mà vui lắm. Chỉ cần rau cải hút hàng, giá bình ổn là vui trong bụng rồi”.

Rau màu đối với những người nông dân trong xã Ngãi Tứ này như một giải pháp thoát nghèo. Rau màu gắn với đời sống sản xuất của bà con nên dù trồng màu nên tết cũng ở ngoài đồng bà con vẫn thấy tết vui, tết ấm!

Chú Châu Văn Tèo- Chủ tịch Hội Nông dân ấp An Phong nói: “Tết năm nay rau màu chắc ít hơn mọi năm vì năm nay nhuần nên hết vụ sớm. Một số hộ nông dân không trồng màu đón tết vì lo dịch COVID- 19 làm ảnh hưởng đến sức mua. Nhưng nói chung là trồng màu đỡ hơn trồng lúa, nhìn cái ấp An Phong này là biết, ấp có 259 hộ thì hơn 200 hộ trồng màu rồi và cũng nhờ rau màu mà khấm khá hơn thấy rõ”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN