Cảnh giác với rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

Cập nhật, 12:31, Thứ Ba, 03/07/2018 (GMT+7)

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, sau hơn 10 năm được khống chế, năm 2017 và 2018 bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) hại lúa đã bùng phát gây hại trở lại ở các tỉnh phía Nam với diện tích nhiễm bệnh 16.360ha.

Năm 2018, bệnh phát sinh gây hại từ vụ lúa Đông Xuân và tiếp tục gây hại trên lúa Hè Thu. Vĩnh Long cũng đang đối mặt với áp lực lớn rầy nâu, bệnh VLLXL lúa.

Thời điểm thu hoạch lúa làm gia tăng áp lực rầy nâu di trú.
Thời điểm thu hoạch lúa làm gia tăng áp lực rầy nâu di trú.

Tính đến thời điểm cuối tháng 6, Vĩnh Long đã xuống giống 54.250ha lúa vụ Hè Thu và hơn 11.000ha lúa Thu Đông 2018, trong đó có 51.545ha lúa đang trong giai đoạn mạ- trổ đến thu hoạch.

Theo bà Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long), đây có thể là nguồn thức ăn thu hút rầy trưởng thành di trú đẻ trứng, chích hút và truyền bệnh. Thời điểm thu hoạch lúa thì áp lực rầy di trú lại càng tăng cao.

Chi cục cũng đang xây dựng hướng dẫn phòng rầy nâu và bệnh VLLXL để kịp thời hỗ trợ người dân chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất.

Qua kết quả phân tích mẫu rầy, trong số 30 mẫu rầy của tỉnh gửi đi giám định bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá bằng phương pháp kháng huyết thanh trong tháng 6/2018 đã có 1 mẫu nhiễm vi rút lùn lúa cỏ và 3 mẫu nhiễm vi rút lùn xoắn lá (chiếm tỷ lệ 13,33%).

Hiện nay, do áp lực của rầy nâu trên đồng cao và tình hình bệnh VLLXL đang gây hại nghiêm trọng ở một số tỉnh lân cận. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần theo dõi thật kỹ để có cách nhận biết bệnh, hạn chế tối đa lầm tưởng với các bệnh hại khác và sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sẽ không đạt hiệu quả.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong tuần qua, diện tích lúa Hè Thu rầy nâu nhiễm 50ha, độ nhiễm nhẹ với mật số phổ biến 800- 1.500 con/m2, phân bố tập trung ở một số xã của các huyện Trà Ôn và Mang Thít. Hiện tại trên địa bàn các huyện Trà Ôn, Mang Thít, Vũng Liêm, các bẫy đèn có rầy nâu di trú vào đèn tương đối nhiều.

Trên lúa Thu Đông, diện tích nhiễm rầy nâu 10ha, chủ yếu rầy tuổi 4, 5 gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh. Chủ yếu mức độ nhiễm nhẹ với mật số phổ biến 800- 1.000 con/m2, phân bố tại một số xã của huyện Mang Thít.

Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu có thể nhiễm trên trà lúa vụ Hè Thu và trà sớm vụ Thu Đông nhưng mức độ nhiễm nhẹ.

Ngành chuyên môn khuyến cáo hiện tại ngoài đồng rầy chủ yếu tuổi 4, 5 nhiễm nhẹ với mật số thấp 800- 1.000 con/m2 nông dân không nên phun thuốc trị rầy, chỉ nên can thiệp thuốc đặc trị khi rầy đang tuổi 2- 3 và có mật số trên 2.500 con/m2.

Lúa trổ- chín về sau, nông dân không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Đối với bệnh VLLXL hiện không có thuốc đặc trị, nên một số giải pháp được ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân như việc không trồng lúa liên tục trong năm, vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, không để vụ lúa chét. Theo sự phân vùng của ngành nông nghiệp, thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài.

Để phòng chống rầy nâu hiệu quả hơn thì nông dân cần sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt, không lấy lúa thịt làm lúa giống, không gieo sạ quá dầy trên 150 kg/ha.

Gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy, thường mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5- 7 ngày, để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Như vậy, khi lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.

Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa. Không bón quá thừa phân đạm, tăng lượng phân lân và phân kali để nâng cao sức chống chịu đối với bệnh.

Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa (phải vạch gốc lúa để xem). Rầy nâu là môi giới truyền bệnh VLLXL, do đó cần quản lý tốt đối tượng này để hạn chế tối đa sự phát tán và lây lan mầm bệnh.

Đối với các ruộng nhiễm bệnh nhẹ cần tăng cường bón các loại phân giàu lân, nhằm giúp lúa đẻ nhánh tốt đền bù lại các chồi đã nhiễm bệnh.

Đối với những ruộng bị bệnh nặng cần phòng trừ rầy nâu, trước khi tiêu hủy ruộng bệnh. Phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng.

Theo ông Trần Văn Khởi- Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngoài các nguyên nhân khách quan thì yếu tố chủ quan dẫn đến sự gia tăng quy mô và mức độ gây hại của bệnh trong thời gian qua là do tâm lý chủ quan của người nông dân, công tác chỉ đạo của một số địa phương còn chưa quyết liệt, nhất là công tác chỉ đạo nông dân xuống giống theo đúng khuyến cáo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn.

Trước áp lực rầy nâu, bệnh VLLXL gia tăng và để phòng chống hiệu quả, ông Trần Văn Khởi đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh VLLXL; mở các lớp tập huấn cho nông dân với chuyên đề sâu về dịch bệnh để nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cử cán bộ bám sát đồng ruộng, thực tế sản xuất để nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời.

  •  Bài, ảnh: THÀNH LONG