"Sống khỏe" nhờ trồng lan Bạch Trinh

Cập nhật, 15:06, Thứ Ba, 25/10/2016 (GMT+7)

 

Lan Bạch Trinh “sống khỏe” cả trên địa hình khô và ngập nước.
Lan Bạch Trinh “sống khỏe” cả trên địa hình khô và ngập nước.

Một số hộ dân ở ấp Phước Lợi B (Phước Hậu- Long Hồ) đang “sống khỏe” nhờ trồng cây lan Bạch Trinh bán củ.

Lan Bạch Trinh xuất hiện khá lâu, có nguồn gốc từ Huế, do một người trong ấp Phước Lợi B mang về chỉ vài củ. Ban đầu thấy đẹp nên vài người chia giống về trồng, chủ yếu để làm kiểng. Việc mua bán chỉ mới xuất hiện khoảng 5 năm nay, vì nhu cầu trồng trang trí tại các công trình công cộng, công viên ngày càng nhiều.

Ông Lương Mạnh Hùng (56 tuổi) trồng 5,5 công lan Bạch Trinh, cho biết: Từ khi biết thị trường có nhu cầu, từ 1,5 công tía tô, rau cải cho thu nhập không cao nên ông quyết định chuyển sang trồng lan. Thấy khả quan nên năm nay ông Hùng trồng tiếp 4 công trên đất ruộng.

Theo ông Hùng, loại cây này nhẹ công, ít phân bón, phát triển tốt cả trên cạn và trên ruộng. Chỉ tốn tiền nhân công thu hoạch khá cao- khoảng 200.000 đ/ngày, vì đòi hỏi phải thật cẩn thận, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức sống của cây.

Hơn nữa, loại cây này ít “ăn nước”, trời nắng cũng 2- 3 ngày mới tưới một lần. Đặc biệt, nếu trồng trên đất ruộng lại có thể thả cho nước vào nhiều ngày cây cũng không bị úng. Lan Bạch Trinh trồng mới từ cây con thì khoảng 5 tháng là có thể cho thu hoạch đợt đầu. Nếu dưỡng từ gốc lan giống có củ lớn, khoảng 3 tháng sẽ “nhảy bụi” và có thể tách cây con bán.

Thương lái thu mua củ lan với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu thị trường. Thời gian qua, ông Hùng bán cho một số thương lái thu mua ở Đồng Tháp, giá mỗi củ lan trên dưới 4.000đ (chu vi củ từ 10- 20cm). Mỗi công lan Bạch Trinh thu hoạch khoảng 10.000 củ, mỗi năm thu hoạch 2 đợt chính, lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm. Từ tháng 10 hàng năm trở đi thì vào đợt thu hoạch rộ.

Tìm đến nhà ông Lương Mạnh Hùng, bà Nguyễn Thị Hồng- Chủ cơ sở hoa kiểng Hậu Minh (Tân Quy Đông- TP Sa Đéc) đặt hàng 20.000 củ lan, giao trong vòng 1 tuần để cung cấp cho khách hàng ở Phú Quốc.

Bà Hồng cho biết: Thị trường tiêu thụ lan Bạch Trinh chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay thì nhu cầu tại thị trường Phú Quốc (Kiên Giang) lại khá cao để trồng trang trí cho các công trình công cộng, công viên, resort,… Hiện tại, ở Đồng Tháp không đủ cung ứng nên phải qua Vĩnh Long mua thêm.

Còn ông Hùng cho hay, do không đủ cung ứng, nên ông phải thu gom thêm từ nhiều hộ lân cận mới đủ giao. Mới đây khách hàng ở Phú Quốc có đặt 50.000 củ loại nhỏ (chu vi 10- 15cm) với giá 3.000 đ/củ, nhưng thấy mức giá này chưa phù hợp nên ông chưa đồng ý bán. Bà Trần Thị Liễu- vợ ông Hùng- dự đoán từ nay đến Tết Nguyên đán, thương lái sẽ thu mua nhiều, hy vọng giá cả khá khá thì người trồng lan ăn tết khỏe.

Tại ấp Phước Lợi B hiện có nhiều hộ trồng loại lan này, mỗi hộ từ 1- 3 công, như hộ bà Lương Minh Huệ, Lê Thị Nhạn, Lê Thanh Nghiệp, Lê Thị Hồng Thoa,… cho sản lượng ổn định, góp phần nâng cao thu nhập gia đình.

 

Ông Lương Mạnh Hùng:

Lan Bạch Trinh thuộc cây lâu năm có củ, lá thon, phát hoa cao, thích hợp nơi đất tơi xốp nhiều ẩm độ, ít bị sâu bệnh tấn công. Nếu mỗi công cho thu hoạch khoảng 20.000 củ/năm thì với giá trên dưới 4.000 đ/củ, đã lời hơn rất nhiều so trồng lúa.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng:

Lan Bạch Trinh được vận chuyển từ Đồng Tháp ra Phú Quốc bằng xà lan. Mỗi chuyến từ 40.000- 50.000 củ mới đủ cung cấp cho thị trường này. Nhu cầu khá cao vì các công trình công cộng, resort,… mọc lên ngày càng nhiều.

 

™Bài, ảnh: THÀNH LONG- TRƯƠNG NGỌC