Sau hạn mặn- lúng túng vụ 3

Cập nhật, 05:04, Thứ Ba, 06/09/2016 (GMT+7)

Hạn mặn lịch sử kéo dài làm hàng chục ngàn hecta lúa ở Vũng Liêm xuống giống trễ so lịch thời vụ. Trong khi chính quyền địa phương khuyến cáo người dân bỏ lúa Thu Đông (lúa vụ 3) để xả lũ chuẩn bị cho vụ Đông Xuân, thì một số nơi người dân “thấy uổng” chuyển sang trồng rau màu.

Mùa này năm ngoái, đã gần thu hoạch vụ Thu Đông trên cánh đồng này, nay thì đồng bỏ không cho cỏ mọc và chăn thả gia súc.
Mùa này năm ngoái, đã gần thu hoạch vụ Thu Đông trên cánh đồng này, nay thì đồng bỏ không cho cỏ mọc và chăn thả gia súc.

Việc chuyển đổi này là phù hợp, nhưng trong tình hình sản xuất “bị động”, tự phát, nhất là “dư âm” mặn trong đất vẫn còn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất và đầu ra cuối vụ.

Trong vụ Hè Thu vừa qua, nhiều nông dân tại các cánh đồng ở các xã Trung Nghĩa, Trung Ngãi cho biết đã xuống giống trễ hơn 1 tháng so những năm trước.

Điều này tiếp tục gây ảnh hưởng cho vụ Thu Đông tiếp theo. Sở dĩ, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ Thu Đông mà làm đất xong rồi xả lũ, bởi mong muốn người dân tập trung cho vụ Đông Xuân- vụ lúa quan trọng trong năm gieo sạ đúng lịch thời vụ như những năm trước đạt hiệu quả cao.

Và quan trọng hơn là không gây xáo trộn cho việc sản xuất vào năm sau. Tuy vậy, thực tế tại các địa phương, nông dân “thấy bỏ đất uổng” nên chuyển sang trồng rau màu, thậm chí khoai lang.

Đi dọc theo các cánh đồng ở ấp Giồng Ké, Ấp 7, Ấp 8,.. của xã Trung Ngãi những ngày này sẽ khó bắt gặp cảnh hối hả bơm tưới, chăm sóc lúa như vụ Thu Đông những năm trước, mà thay vào đó là những cánh đồng mọc đầy cỏ dại, hoặc đã cày ải sẵn nhưng chưa thể gieo sạ.

“Dư âm” của đợt xâm nhâp mặn vừa qua có thể “quay trở lại” nên chính quyền địa phương chưa công bố lịch thời vụ. Bà con ở đây cho biết, thu nhập chính dựa vào trồng lúa nên cuộc sống sẽ gặp khó khăn nếu cứ để “đồng trống” như thế này.

Bà Trần Thị Kỉnh (Ấp 7) có hơn 30 công ruộng, mỗi mùa cho thu nhập cũng trên dưới 70 triệu đồng. Hơn 2 tháng nay, bà cũng đứng ngồi không yên vì “không làm lúa thì biết làm gì bây giờ”.

“Nếu bây giờ được xuống giống vụ Thu Đông thì coi như đã trễ khoảng 2 tháng, vậy là năm nay chỉ làm được 2 vụ, mất 1 phần 3 thu nhập rồi”.

Nghe trong xóm có người lên liếp trồng khoai, bà cũng muốn làm theo để kiếm đồng ra đồng vào nhưng “chỉ sợ không có kinh nghiệm, nhân công không có, thu hoạch bán không được thì chết lớn!”

Vì vậy, bà chờ chính quyền sớm công bố lịch thời vụ để bắt tay ngày vào làm đất, xuống giống sớm kịp thu hoạch trước tết.

Trong khi đó, anh Trương Hoàng Thạo (Ấp 8) cũng đứng ngồi không yên, bởi 3 công ruộng đến thời điểm này chưa thể gieo sạ được. Giống, đất đai sẵn sàng nhưng chỉ biết… nằm chờ.

Tại một vài cánh đồng khác, theo ghi nhận thời điểm này những năm trước đã bắt tay thu hoạch lúa Thu Đông, thì nay chỉ bỏ không cho cỏ mọc và chăn thả gia súc.

Ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Nghĩa cho biết, tình hình gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Hiện có người lên liếp trồng rau màu, khoai lang.

“Giờ rất khó khuyến khích họ bỏ vụ, bởi ảnh hưởng thu nhập. Vì vậy, bên cạnh thực hiện gia cố đê bao, địa phương cũng yêu cầu người dân cần trồng màu trong vùng an toàn để hạn chế ảnh hưởng nếu lũ lớn”- ông Hải cho biết thêm.

Theo ông Võ Quốc Thái- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Ngãi, thì toàn xã có khoảng 750ha đất lúa, canh tác 3 vụ, là nguồn thu nhập chính của người dân.

Đợt mặn vừa rồi xâm nhập khá sâu vào nội đồng, trong khi nguồn nước tưới tiêu của toàn xã phải lệ thuộc vào việc đóng mở cống Nàng Âm (Vũng Liêm) và cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh) đã ảnh hưởng không nhỏ đến lịch thời vụ. Dự kiến đầu tháng 9 này địa phương mới cho nông dân xuống giống đồng loạt.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cũng cho biết, địa phương đang rất khó khăn trong khuyến cáo người dân bỏ vụ. Theo khuyến cáo chỉ có khoảng 4 xã, hơn 1.000ha có thể xuống giống lúa Thu Đông an toàn.

Nhưng thực tế người dân lo lắng ảnh hưởng thu nhập nên đến nay đã có hơn 10.000ha đã xuống giống.

Bên cạnh lo ngại sâu bệnh gây hại do gieo sạ không đồng loạt, thì đầu ra đối với những nông sản trên vùng đất mới vẫn là điều mà nhiều người lo lắng nhất.

Chính quyền địa phương đang lúng túng trong khâu quản lý. Trong khi người dân cũng có lý của họ khi bất chấp khuyến cáo, bởi thay đổi kế hoạch sản xuất sẽ ảnh hưởng nhất định đến thu nhập gia đình.

Vì vậy, mong muốn lớn nhất của họ lúc này rất cần hỗ trợ hơn nữa của ngành chức năng từ kỹ thuật, giống sản xuất, nhất là đầu ra nông sản để không ảnh hưởng những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- HOÀNG MINH