Nuôi vịt "sạch bệnh"

Cập nhật, 14:09, Thứ Ba, 19/07/2016 (GMT+7)

 

  Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học chuyên trứng ở Vũng Liêm.
Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học chuyên trứng ở Vũng Liêm.

Nuôi vịt chạy đồng đang tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cao, vì thế mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học theo hướng chuyên lấy thịt và lấy trứng đang là sự lựa chọn của nhiều người nuôi hiện nay. Ngoài ưu điểm “sạch bệnh”, hình thức nuôi này còn giúp vịt mau lớn, chuồng trại không hôi thối, ảnh hưởng môi trường.

Thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật giúp người dân chuyển nuôi vịt truyền thống sang ứng dụng nuôi trên đệm lót sinh học.

An toàn dịch bệnh

Xã Tân Long (Mang Thít) là một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng nuôi vịt trên đệm lót sinh học. Anh Đinh Văn Liêm cho biết, từ tháng 4/2014, anh bắt đầu nuôi 400 con vịt (giống vịt Triết Giang) chuyên trứng.

Sau 15 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%, gần 100% vịt cho trứng, với giá trung bình mỗi trứng là 1.900đ, đợt nuôi này anh lời khoảng 39 triệu đồng. Để nuôi hiệu quả, theo anh Liêm, khâu chuồng trại rất quan trọng.

“Tôi làm chuồng chiều ngang 4m, dài 10m. Giai đoạn vịt úm, tôi làm đệm lót với kích thước nhỏ, với một lớp nhựa, trấu và mùn cưa. Trong chuồng, tôi treo 4 bóng đèn, điều chỉnh nhiệt độ tùy theo phản ứng của đàn vịt cho phù hợp. Khi vịt được 7 ngày tuổi, tôi rải men Balasa và trong suốt quá trình nuôi thường xuyên cài đảo, bổ sung men để đệm lót có hiệu quả.”- anh Liêm chia sẻ.

Thành công mô hình nuôi vịt hướng “sạch bệnh” của gia đình anh Liêm nhanh chóng được nhiều hộ xung quanh đến tham quan học hỏi.

Theo nhiều hộ nuôi, giá bán mỗi trứng vịt nuôi theo mô hình cao hơn giá trứng nuôi chạy đồng từ 50- 100đ, bởi hơn cả về độ lớn và độ dày vỏ trứng.

Ngoài dự án “Chăn nuôi vịt hướng trứng an toàn sinh học”, trước đó từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện dự án “Chăn nuôi vịt siêu thịt an toàn sinh học”, quy mô trên 8.600 con, hỗ trợ cho 40 hộ. Kết quả, tỷ lệ vịt nuôi sống 97%.

Ngoài ra, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trung tâm còn hỗ trợ 21 hộ dân xã Mỹ Lộc (Tam Bình) thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn, sử dụng men Balasa.N01 làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, với quy mô 4.200 con.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông, với hình thức nuôi tập trung nên việc tiêm ngừa vắc xin thực hiện dễ dàng, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nuôi chạy đồng. Song song đó, việc sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi vịt giúp nông dân rút ngắn thời gian nuôi, thu nhập của người dân từ đó sẽ cao hơn.

Cần ổn định đầu ra

Trước những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục hỗ trợ các mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tham quan nhiều mô hình có liên quan ở các tỉnh- thành lân cận để học thêm những kỹ thuật mới trong chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Kế hoạch nuôi vịt trên đệm lót sinh học sẽ được triển khai theo quy mô tăng dần và hứa hẹn khá khả quan. Cụ thể, năm 2016 đầu tư trên 600 triệu đồng để người dân nuôi 13.200 con. Đến năm 2017 sẽ đầu tư quy mô cao nhất với trên 753 triệu đồng để người dân nuôi 15.400 con.

Tuy nhiên, hiện ở hộ dân nuôi vịt sử dụng đệm lót sinh học, sản phẩm trứng tiêu thụ chưa thật sự ổn định. Về vấn đề này, ông Trần Văn Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, hiện trung tâm đang giới thiệu các mô hình nuôi hiệu quả với các công ty, nơi tiêu thụ các sản phẩm từ vịt để bà con yên tâm về đầu ra.

Hướng tới đây, trung tâm sẽ tiếp tục tập huấn nâng cao tay nghề cho bà con, góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, bán công nghiệp và công nghiệp quy mô lớn có kiểm soát, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng hỗ trợ người dân thả nuôi 36.600 con vịt siêu thịt áp dụng đệm lót sinh học. Trung tâm đang định hướng cho hộ nuôi một giống vịt mới; ít nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến môi trường nuôi.

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH