Không khó để sản xuất thịt an toàn

Cập nhật, 14:51, Thứ Ba, 24/05/2016 (GMT+7)

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho rằng không khó để sản xuất ra sản phẩm thịt heo an toàn mà không cần đến các chất cấm tạo nạc, tạo màu. Bởi theo ông, hiện nay với công nghệ giống tốt và thức ăn chất lượng đã đảm bảo tạo ra “quầy thịt” ngon lành cho thị trường.

Người chăn nuôi đã có ý thức “nói không với sử dụng chất cấm” trong chăn nuôi.
Người chăn nuôi đã có ý thức “nói không với sử dụng chất cấm” trong chăn nuôi.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm

Qua lấy số liệu so sánh 3 đợt lấy mẫu kiểm tra chất cấm gần đây nhất, ông Lê Thanh Tùng cho biết tỷ lệ sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi heo, giết mổ được ghi nhận vẫn còn, nhưng đã giảm rất nhiều.

Cụ thể, thời điểm tháng 10/2015, tỷ lệ vi phạm sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi heo là 20% và tỷ lệ này vào tháng 1/2016 giảm còn 10%. “Kết quả đợt kiểm tra mới đây tại 65 cơ sở chăn nuôi, giết mổ cho thấy còn 4 cơ sở với tỷ lệ 6,15%, vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Điều này chứng tỏ người dân đã có ý thức cảnh giác các chất cấm và tỷ lệ vi phạm đã giảm”- ông Lê Thanh Tùng nhận xét. Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng chất cấm tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi heo vẫn còn lén lút và có cơ sở còn tái phạm. Đó là 1 trường hợp ở Tam Bình, bị xử phạt lần đầu 7,5 triệu đồng, nhưng tiếp tục vi phạm lần 2 trên đàn heo 24 con.

“Tụi tui biết chất tạo nạc, tăng trưởng là chất cấm. Chỉ một số ít người nuôi vì lợi nhuận vẫn trộn vào thức ăn cho heo lớn tốc hành, siêu nạc dễ bán lại được giá cao”- một hộ chăn nuôi nói thật. Ngành thú y và chăn nuôi cũng ghi nhận, nếu như trước đây người dân thụ động “nghe theo” tiếp thị để mua chất cấm sử dụng, thì hiện nay đã có ý thức tránh khỏi các chất đó.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến tháng 4/2016, Vĩnh Long có đàn heo là 361.568 con, tăng 0,9% so cùng kỳ và có khoảng 634 hộ chăn nuôi heo từ 30 con trở lên, còn lại chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Vĩnh Long là một trong những tỉnh có đàn heo, đàn bò và gia cầm (bò 73.211 con, gia cầm gần 7,3 triệu con) khá lớn ở ĐBSCL. Vì thế, ngoài vấn đề tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên của ngành chức năng, thì yếu tố kỹ thuật để hỗ trợ chăn nuôi là vấn đề rất quan trọng.

“Với công nghệ lai tạo, cung ứng giống tiên tiến đã tạo ra những giống heo đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ít mỡ, tỷ lệ nạc cao.

Người chăn nuôi cần thay đổi giống thường xuyên. Bên cạnh, sử dụng thức ăn đúng cách, kết hợp bổ sung các chất enzim tiêu hóa… Đó là 2 yếu tố cần thiết để cho ra những quầy thịt heo đẹp mà không cần sử dụng bất kỳ chất cấm tăng trưởng, tạo mạc, tạo màu nào hết”- ông Lê Thanh Tùng khẳng định.

Và để cùng người chăn nuôi tạo ra đàn heo lành mạnh, cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường, ngành thú y ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người nuôi ý thức không sử dụng chất cấm, thì theo ông Lê Thanh Tùng, các giải pháp quản lý xử phạt vi phạm cũng sẽ “mạnh tay hơn”.

Nhất là tới đây, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, hành vi sử dụng và buôn bán chất tạo nạc cấm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng bằng biện pháp xử lý hình sự. Theo đó, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ “bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1- 5 năm”.

Làm người tiêu dùng thông minh

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, thịt heo nếu được nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng. Khi chọn thịt cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của heo nuôi bình thường dày từ 1,5- 2cm).

Thịt nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt. Và do vậy, “người tiêu dùng đừng ham các loại thịt nhiều nạc và có màu sắc khác thường”.

Cô Mai Thị Đông (xã Bình Phước- Mang Thít) cho biết: “Tôi nuôi heo mấy chục năm rồi, gần đây rộ lên thông tin heo có chứa chất cấm làm giá heo thịt không ổn định, lên xuống thất thường, tôi lo lắm”.

Những người nuôi heo như cô Đông luôn “nói không với chất cấm” và theo cô, “khi có thông tin thịt heo chứa chất cấm, thiệt thòi nhất vẫn là những người chăn nuôi chân chính” và ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng.

Do vậy, theo cô Lê Thị Hai- bán thịt heo chợ thị trấn Long Hồ, gần đây, khách hàng đến mua thịt thường hỏi, có chất tạo nạc hay không và phải giải thích với khách hàng nguồn thịt lấy từ các cơ sở giết mổ có kiểm định của ngành thú y, nên người tiêu dùng yên tâm hơn. Vì cẩn thận “đầu vào” như vậy, nên mới có lượng khách quen mối ruột.

Thường thì khách mua thịt còn được cô Hai tư vấn: “Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu tươi trong, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Đó là thịt tươi và ngon”.

Để tự bảo vệ mình, trước rừng thông tin thực phẩm bẩn, nhiều người tiêu dùng đã tự trang bị kiến thức cho mình. Chị Nguyễn Thị Ánh (Phường 9- TP Vĩnh Long), cho biết bí quyết: “Tôi đi chợ không chọn thực phẩm có màu sắc bắt mắt quá, hay đẹp… bất thường. Tôi thường chọn mua thực phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

 

Salbutamol là gì?

Salbutamol vốn là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ lâu.

Các thuốc thành phẩm chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang. Do đó nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt.

 

Tuy nhiên, chất này bị sử dụng trái phép trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Nếu ăn nhiều loại thịt heo có tồn dư của chất tạo nạc, cơ thể có thể sẽ nhiễm độc, gây rối loạn tiêu hóa, nhịp tim nhanh, thậm chí mất mạng.

 

Bộ Nông nghiệp- PTNT đã kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát sau nhập khẩu, đưa salbutamol, clenbuterol và các chất kháng sinh đang được cùng sử dụng trong y tế và nông nghiệp vào danh mục kiểm soát đặc biệt nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích.

Bài, ảnh: AN THẢO