Một số giải pháp phòng chống hạn và xâm nhiễm mặn cho vườn cây ăn trái

Cập nhật, 14:35, Thứ Ba, 24/05/2016 (GMT+7)

 

Các chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ đi khảo sát vườn sầu riêng.
Các chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ đi khảo sát vườn sầu riêng.

Đa số cây ăn trái là các loại cây lâu năm, có mức đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế cao cho nên cần có nhiều thời gian để kiến thiết vườn và thời gian khai thác có thể kéo dài hơn các chủng loại cây ngắn ngày khác.

Vì vậy, một khi vườn cây ăn trái bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của nông dân. Theo dự báo, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn sẽ vẫn còn tiếp diễn trong những năm sắp tới nên cần có biện pháp phòng chống phù hợp nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho cây trồng và nhà nông.

 

Từ trước tới nay, Vĩnh Long thuộc vùng đất có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng thời tiết cực đoan của hiện tượng El Nino vào cuối năm 2015, còn đầu năm 2016 đã làm cho nước mặn xâm nhập rất sâu và bất ngờ vào nhiều diện tích vườn cây ăn trái của nông dân tỉnh Vĩnh Long gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Kết quả giám định mới nhất của cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết đã có thêm gần 400ha vườn cây sầu riêng và chôm chôm của 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn bị thiệt hại, trong đó có gần 300ha vườn sầu riêng của huyện Vũng Liêm bị rụng lá, rụng trái khá nghiêm trọng và khó có thể cứu chữa phục hồi toàn bộ được.

Nguyên nhân, khi cây ăn trái bị nhiễm mặn, rễ cây không thể hút được nước (do nồng độ muối cao làm rễ cây không thể hút nước vào bên trong được), không hấp thu được dinh dưỡng, các quá trình sinh lý trong cây bị rối loạn, sinh trưởng của cây bị ức chế.

Trường hợp cây bị nhiễm nặng, vượt quá khả năng chịu đựng, cây sẽ bị ngộ độc, lá bị cháy, rụng và cây héo, chết dần.

Ngoài ra, khi cây bị nhiễm mặn, khả năng chống chịu bệnh kém nên thường dễ bị “bội nhiễm” với các tác nhân của nấm bệnh.

Do đó, nếu tưới nước có nồng độ mặn vượt quá ngưỡng chịu đựng của cây thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây, cây có thể bị rụng lá, rụng trái non, làm thất thu năng suất và giảm chất lượng của trái cây, thậm chí làm cho cây bị chết.

Như vậy, để kịp thời khắc phục và cứu chữa những vườn cây bị nhiễm mặn do đã lỡ tưới nước mặn; đồng thời có kế hoạch phòng chống tái xâm nhiễm mặn cho các vườn cây ăn trái ở những năm tiếp theo thì cần áp dụng những giải pháp cứu chữa và quản lý lâu dài.

Tuy nhiên, để việc cứu chữa thật sự có kết quả thì biện pháp phòng ngừa là chính, cố gắng không nên tưới nước nhiễm mặn cho cây hoặc lỡ có tưới nước mặn (do không hay mặn xâm nhiễm) thì cần áp dụng biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt, không nên để cây suy kiệt rồi mới cứu thì không có hiệu quả.

- Giải pháp trước mắt: đối với những vườn cây đang bị nhiễm nước mặn thì cần nhanh chóng rửa mặn và đuổi các chất độc của mặn trong đất vườn cây ngay bằng cách tưới nhiều lần nước ngọt để loại bỏ bớt độc chất trong đất, sau đó bón thêm vôi và phân kali để có thể hỗ trợ việc đẩy muối NaCl ra khỏi keo đất càng nhanh càng tốt.

Tiếp tục tưới xả nước ngọt để rửa cho đến khi cây ra lại rễ mới, bón thêm phân hữu cơ và một ít phân hóa học cho cây mau phục hồi.

Nếu thấy cây ra lại đọt non thì biện pháp cứu chữa cây đó xem như có hiệu quả. Ngược lại, nếu đã thực hiện xong mà cây không phục hồi thì xem như cây đã chết, cần đốn bỏ để trồng lại cây khác.

- Giải pháp lâu dài: cần thiết kế hoặc củng cố lại hệ thống đê bao ngăn mặn và xây cống để đậy nắp lại khi nước mặn tăng cao vào những tháng nước nhiễm mặn. Nên tiến hành nạo vét các kinh mương nội đồng để dự trữ nước ngọt trong mương hoặc dự trữ trong túi nilon dày đặt dưới gốc cây để tưới thời điểm mặn xâm nhập.

+ Hạn chế tưới nước nhiễm mặn cho cây ăn trái khi nồng độ mặn trên 2‰. Đối với một số cây trồng mẫn cảm với nước nhiễm mặn thì không tưới khi nồng độ mặn trên 1‰.

Trước khi tưới nước lên vườn cây ăn trái, cần kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào vườn bằng dụng cụ đo mặn đơn giản hoặc nhờ Phòng Nông nghiệp huyện hay cán bộ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai đo giúp.

Nếu độ mặn của nước dưới ngưỡng gây hại thì nên tưới đẫm cho cây, đồng thời trữ nước lại trong mương vườn và thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước ngọt vào vườn.

+ Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây, nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Tốt nhất là không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ giai đoạn đậu trái. Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,…

+ Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+. Bón phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Không nên bón phân có chứa Natri và Clo vì sẽ tăng độ độc cho cây.

Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn. Nếu đất bị nhiễm phèn thì không nên bón các loại phân chua như super lân, (NH4)2SO4, KCl… làm cho đất càng chua. Có thể phun các chế phẩm có chứa các acid amin như Proline (theo liều lượng khuyến cáo) để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn.

+ Trong trường hợp vườn cây đã tưới nguồn nước bị nhiễm mặn thì tùy theo mức độ ảnh hưởng và thiệt hại trên cây ăn quả mà chúng ta có các giải pháp phù hợp để giúp cây sớm phục hồi như ở phần trên.

Cần mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số trái trên cây tùy theo mức độ ảnh hưởng của mặn ít hay nhiều. Bên cạnh đó cần sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, đồng thời bón vôi, phân hữu cơ, phân lân để giúp phục hồi bộ rễ cây trồng.


Bài, ảnh: ThS. Nguyễn Văn Liêm