Nông dân Long Hồ không còn mặn mà với cây đậu nành

Cập nhật, 14:40, Thứ Tư, 27/04/2016 (GMT+7)

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho biết, năm nay diện tích trồng đậu nành trên địa bàn huyện Long Hồ đã giảm hơn 210ha so với những năm trước. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Nếu những năm trước vào vụ Hè Thu là hơn 5ha đất ruộng khu vực tổ tự quản số 2 (ấp Tân An, xã Tân Hạnh), nông dân chỉ chọn trồng cây đậu nành thì năm nay diện tích trồng đậu nành còn lại đúng 1ha. Ông Nguyễn Văn Phước- người có thâm niên và tâm huyết với cây đậu nành- vừa xuống giống 0,4ha đậu.

Ông cho biết sở dĩ năm nay ông tiếp tục trồng đậu là vì ông được Khoa Nông nghiệp- ĐH Cần Thơ hỗ trợ giống để nhân giống đậu chất lượng, cung cấp cho nông dân nếu năm sau họ chọn cây trồng này.

Ông Phước nói thêm: “Cái khó khăn nhất là từ năm rồi, giá xuống quá, năng suất thấp cho nên bà con bỏ đậu nhiều. Đối với tôi thì từ nào giờ cây đậu nó gắn chặt rồi. Một là mình cải tạo đất, hai là vừa làm vừa nhân giống mới chứ không mua giống trôi nổi không đạt. Tôi đề nghị hỗ trợ giống, đề nghị công ty tích cực hỗ trợ mua để tránh tình trạng mua bán trôi nổi”.

Vụ Hè Thu năm nay, toàn huyện Long Hồ chỉ có 44ha đất trồng đậu nành, so với cùng kỳ năm trước giảm 210ha. Nếu như những năm trước đó diện tích trồng đậu nành tập trung tại 3 xã Tân Hạnh, Phước Hậu và Long Phước thì năm nay chỉ còn nông dân xã Tân Hạnh trồng đậu nành.

Vào cuối năm 2015, tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Huyện ủy năm 2015 còn có rất nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng cánh đồng mẫu lớn đậu nành với diện tích hơn 200ha tại xã Tân Hạnh.

Vậy thì tại sao trong vụ Hè Thu này, diện đậu nành lại giảm mạnh đến thế. Gặp gỡ trực tiếp những người trồng đậu nhiều năm trước, chúng tôi thấy họ cũng có nhiều tâm tư. Bà Nguyễn Thị Hương nói: “Trước trồng đậu nành, năm rồi đậu nành thất quá nên lỗ lã”.

Ông Nguyễn Văn Chín cho biết thêm: “3 năm trước, nông dân trồng đậu nành cũng khấm khá. Năm rồi, thất quá nên đề nghị chính quyền hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho tốt, để nông dân làm tiếp và có cuộc sống khấm khá hơn”.

Đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi được ông Lê Hoàng Thanh- Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh cho biết:

“Năm 2015, đã xuống giống 240ha, năm 2016 giảm chỉ còn 44ha. Nguyên nhân thứ nhất là giá đậu nành xuống thấp, giống trôi nổi dân tự mua nên gây ảnh hưởng đến năng suất. Thứ hai là Nhà nước chưa tìm được đầu ra. Hướng tới, tiếp tục kiến nghị đầu tư cây giống để giống ổn định, đảm bảo năng suất chất lượng thì mới đảm bảo đầu ra”.

Trước thực trạng nông dân quay lưng với cây đậu nành, nếu ngành chức năng không sớm có hướng khắc phục thì trong tương lai gần loại cây màu thế mạnh của huyện Long Hồ hơn 10 năm qua sẽ không còn được nông dân lựa chọn để sản xuất.

PHƯỚC GIANG