Niềm vui của nhà vườn Long Hồ

Cập nhật, 12:46, Thứ Tư, 20/04/2016 (GMT+7)

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Long Hồ đã tăng cường công tác khuyến nông, giúp nhà vườn quản lý chặt chẽ giống cây trồng.

Ngoài ra, còn kết hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT chi nhánh Long Hồ, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà vườn cây giống, vay vốn đầu tư phát triển vườn cây ăn trái chuyên canh với quy mô lớn. Qua 2 năm thực hiện, huyện đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Nhiều nhà vườn chuyển đổi cây trồng thành công.
Nhiều nhà vườn chuyển đổi cây trồng thành công.

Nhà vườn phấn khởi

Nếu như cách đây 5 năm, gia đình ông Trương Văn Chuyển (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú) canh cánh nỗi lo về kinh tế vì vườn nhãn da bò bị dịch bệnh chổi rồng, thu nhập chẳng là bao thì giờ đây đã khác.

Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Hội Nông dân xã, ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2.000m2 nhãn da bò sang trồng nhãn Ido (Edor). Đến nay, vườn nhãn Ido của gia đình ông đã cho trái vụ thứ hai. Nhìn những cây nhãn Ido trĩu quả, chúng tôi thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người nông dân đã có mấy mươi năm gắn bó với mảnh vườn, đã nếm trải nhiều vất vả này.

Ông Chuyển phấn khởi: “Mấy năm trước, khi nhãn da bò bị dịch chổi rồng thì nhà vườn chúng tôi thiếu thốn đủ thứ. Năm nay, tôi thấy phấn khởi hơn vì vườn nhãn trúng mùa. Dự kiến tôi thu hoạch hơn 3 tấn, lời khoảng 60 triệu đồng”.

Cũng tại ấp Phú Mỹ 1 vào đầu năm 2016 này, sau khi “đứt ruột” đốn bỏ 10 công nhãn da bò bị bệnh chổi rồng, ông Phạm Văn Canh được Nhà nước hỗ trợ 150 gốc nhãn Ido để trồng. Do tới 4 năm nhãn Ido mới cho trái, nên ông Canh đã trồng xen ổi Đài Loan nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Ông Canh bày tỏ: “Được Nhà nước hỗ trợ cây giống, chúng tôi mừng lắm. Thứ nhất là chúng tôi mong muốn Nhà nước thường xuyên hỗ trợ khoa học kỹ thuật để nông dân áp dụng vào trồng trọt, tăng năng suất lẫn chất lượng trái cây, tránh thua thiệt khi ra thị trường xuất khẩu. Thứ hai là có chính sách bình ổn giá trái cây để nhà vườn yên tâm canh tác”.

Định hướng trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phú Đào Trung Nên cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân tái cơ cấu lại cây trồng đúng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra.

Trong đó, chúng tôi tập trung phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch, để thu nhập của người dân được nâng lên. Chúng tôi cũng tranh thủ huyện, tỉnh hỗ trợ về vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật để bà con thuận lợi hơn”.

Tái cơ cấu lại vườn cây

Tái cơ cấu lại vườn cây ăn trái, trong năm 2015, ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ nhà vườn chuyển đổi 440ha vườn tạp, vườn kém hiệu quả. 3 tháng đầu của năm 2016, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh và Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiếp tục hỗ trợ nhà vườn huyện Long Hồ chuyển đổi 327ha vườn...

Song song, ngành nông nghiệp huyện còn tích cực hỗ trợ nhà vườn khắc phục bệnh chổi rồng trên cây nhãn.

Ông Nguyễn Minh Thành- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho biết: “Chúng tôi sẽ vận động nhà vườn, nhất là 4 xã cù lao mạnh dạn cải tạo lại vườn nhãn da bò bị nhiễm chổi rồng, chuyển sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao như nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, chôm chôm, chanh, dừa,... Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để giúp nhà vườn yên tâm thực hiện”.

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ yêu cầu các xã- thị trấn, đặc biệt là 4 xã cù lao có thế mạnh phát triển vườn cây ăn trái: “Tiếp tục hỗ trợ cây giống, khoa học kỹ thuật để nhà vườn chuyển đổi cây trồng, trong phát triển vườn cần gắn với du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập, vận động nhân dân sản xuất theo hướng GlobalGAP, VietGAP để nâng giá trị kinh tế”.

Vườn nhãn của ông Trương Văn Chuyển (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú).
Vườn nhãn của ông Trương Văn Chuyển (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú).

Trong quý I/2016, nhà vườn trên địa bàn huyện đã thu hoạch được 15.681 tấn trái cây, tăng 25% so cùng kỳ năm 2015, nhờ cây trồng thay thế cây nhãn bị chổi rồng đã bắt đầu cho trái.

Một nguyên nhân khác nữa là nhà vườn đã áp dụng thành công khoa học kỹ thuật trong việc cho trái nghịch vụ để bán dịp tết, vì cách làm này vừa giúp nhà vườn cho trái rải vụ vừa nâng cao giá trị trái cây.

Với những kết quả ban đầu đem lại sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu vườn cây ăn trái, rồi đây kinh tế vườn Long Hồ sẽ dần được khôi phục, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

 

Huyện Long Hồ hiện có 6.694ha vườn cây ăn trái, gồm: nhãn 3.163ha, chôm chôm 1.556ha; cam 144ha; bưởi 243ha; xoài 168,4ha; chanh 481ha; sầu riêng 32ha, ổi 21,5ha.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG-PHƯỚC GIANG