Sương sáo sốt giá

Cập nhật, 10:37, Thứ Hai, 27/05/2013 (GMT+7)

Hiện tại, giá sương sáo khô thu mua tại rẫy ở mức trên 30.000 đồng/kg. Với mức giá hấp dẫn này, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có ý định mở rộng diện tích trồng cây sương sáo.

Khoảng 4 năm trước, sương sáo cũng là loại cây trồng được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Sau thời gian “vàng son” thì đầu ra cũng bấp bênh do giá thấp, thương lái không chịu thu mua. Rất nhiều hộ dân đã từ bỏ để chuyển sang trồng cây ăn trái, mía, rau màu.

Thế nhưng, từ đầu năm nay, do nhu cầu tiêu thụ mạnh và nguồn cung giảm đã đẩy giá sương sáo tăng lên cao ngút. Hiện tại, giá thu mua sương sáo phơi khô ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm rồi.

Chị Duy, chủ doanh nghiệp Phúc Uyên chuyên thu mua sương sáo tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nếu như đầu năm, giá thu mua chỉ ở mức 25.000 đồng/kg thì nay đã tăng thêm 5.000 đồng/kg. Hiện tại, nguồn cung tại chỗ đã giảm mạnh, mỗi ngày chỉ thu mua được 2-3 tấn, giảm gần 10 lần so với 2-3 năm trước”.

Sau khi phơi khô, sương sáo sẽ được đóng thành khối rồi bán cho thương lái.

Đang thu hoạch 2,5 công sương sáo mới trồng lại trong năm nay, anh Nguyễn Quốc Việt, ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm rồi, mía rớt giá mà cây sương sáo có giá trở lại nên tôi quyết định phá mía để trồng sương sáo. Sau 4 tháng gieo trồng, rẫy sương sáo bắt đầu cho thu hoạch. Với mức giá hiện tại thì lứa sương sáo đầu tiên này cũng mang về nguồn thu từ 30-40 triệu đồng”.

Theo anh Việt, vài năm trước gia đình anh cũng như rất nhiều hộ dân ở ấp Long Trường 2 đều trồng loại cây này với diện tích lớn.

Tuy nhiên, thời điểm đó giá bán cao nhất cũng chỉ 12.000-15.000 đồng/kg, có những lúc còn 3.000-4.000 đồng/kg nên không cho lợi nhuận. Các năm qua, nhiều người dân nơi đây đã chuyển sang trồng mía và bây giờ nhiều hộ có ý định trồng lại cây này.

Ông Phan Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Toàn xã có 8 hộ đã chuyển đổi sang trồng cây sương sáo với diện tích hơn 2ha.

So với trước kia thì diện tích hiện tại đã giảm đi rất nhiều. Do năm rồi, lợi nhuận từ cây mía không cao, trong khi giá sương sáo lại tăng vọt nên nhiều hộ đã bỏ mía để trồng cây sương sáo với mong muốn cải thiện thu nhập.

Cũng từng là người có kinh nghiệm trong việc trồng sương sáo, nhưng sau trận rớt giá của mấy năm trước thì gia đình ông Trương Thanh Huyền, ở ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A đã chuyển sang trồng hoa màu. Tuy nhiên, năm vừa rồi bắt đầu quay lại trồng khoảng 1.300m2. Hiện tại, diện tích sương sáo của gia đình đã tăng lên hơn 5.000m2.

Ông Huyền cho biết: “Thấy sương sáo có giá, năm rồi tôi cũng tìm mua giống về để nhân ra thêm. So với các loại cây khác thì trồng sương sáo mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Với mức giá như hiện nay, mỗi công sương sáo cho lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/vụ”.

Hiện tại, rẫy sương sáo của ông Huyền rất xanh tốt, theo dự định thì hơn một tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Ông Huyền còn cho biết, vụ tới sẽ mở rộng khoảng 2 công nữa để trồng sương sáo.

Theo UBND thị trấn Rạch Gòi, trước đây trên địa bàn thị trấn cũng có rất nhiều hộ trồng sương sáo. Tuy nhiên, do giá bấp bênh nên nhiều người đã từ bỏ và chuyển đổi sang cây trồng khác.

Thế nhưng, thời gian gần đây, loại cây này được các thương lái thu mua với giá cao nên họ đã trồng lại. Trên địa bàn thị trấn có khoảng 10 hộ đang trồng sương sáo, tuy nhiên diện tích trồng không đáng kể, hộ trồng nhiều nhất cũng chỉ 5.000m2.

Theo các hộ dân trồng sương sáo cho biết, cây này chủ yếu bán cho các mối thu mua tại các vựa trên địa bàn tỉnh và một số thương lái đến từ các tỉnh lân cận.

Do khan hiếm nguồn cung nên đầu ra rất dễ, thương lái tìm đến tận nơi đòi bỏ cọc trước và chấp nhận thu mua với số lượng lớn.

“Hiện nay, cây sương sáo rất chuộng để làm nước giải khát, thạch… nên có nhiều công ty ở TP.Hồ Chí Minh đến thu gom. Ngoài ra, loại cây này gần đây cũng được nhiều đơn vị thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản… nên số lượng tiêu thụ rất lớn. Một số công ty đề nghị chỗ tôi làm hợp đồng với họ cung cấp 50 tấn sương sáo/tháng, nhưng tôi không dám ký vì số lượng quá lớn, cơ sở không đáp ứng đủ” - chị Duy cho biết thêm.

Do giá bán tăng cao nên những hộ có sương sáo thu hoạch vào đợt này đều có lợi nhuận khá. Điều này càng làm cho nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp có ý định chuyển đổi sang trồng cây sương sáo.

Ông Nguyễn Văn Chánh, ở ấp Long Trường 2, cho biết: “Vụ này tôi vừa lên liếp trồng lại khoảng 3,5 công sương sáo. Thấy có giá tôi cũng dự định năm tới trồng thêm. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại nhất là đầu ra. Nếu như trên địa bàn có chỗ hợp đồng với dân thu mua sương sáo với giá ổn định, lâu dài thì người dân càng yên tâm hơn để mở rộng diện tích”.

Việc chuyển cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều mà người dân luôn chú ý. Tuy nhiên, để loại cây trồng này cho hiệu quả kinh tế bền vững thì việc quan tâm định hướng diện tích, ổn định đầu ra để giúp người dân là điều cần thiết nhất của các địa phương.

Điều này sẽ làm giảm nguy cơ rủi ro, tránh tình trạng người dân chạy theo lời hứa của các thương lái mà ồ ạt mở rộng diện tích làm mất cân đối “cung - cầu” như thời điểm 3-4 năm trước…

Theo Hậu Giang Online