Xoài thơm Vĩnh Hòa

Cập nhật, 13:22, Thứ Sáu, 24/05/2013 (GMT+7)

Với nhiều lý do, diện tích xoài thơm Vĩnh Hòa (Tân Châu) sụt giảm đáng kể đã khiến nhiều người dân địa phương tiếc nuối. Bởi, giống xoài đặc sản này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Theo các lão nông địa phương, xoài thơm Vĩnh Hòa còn có tên gọi là xoài lèo, được “nhập cư” từ Lào cách nay trên 100 năm. Đây là loại xoài có da sáng bóng, chín vàng, có mùi thơm dịu. Khi già, thịt dày không xơ, hột nhỏ, ăn sống chua dịu, ăn chín ngọt thanh nên được nhiều được người dân ưa chuộng.

Tuy nhiên, diện tích xoài thơm ở địa phương đã bị thu hẹp nhiều nên sản lượng không đủ để cung ứng cho thị trường, mặc dù giá loại trái cây đặc sản này khá cao so với các loại xoài khác trên thị trường.

“Trước đây, diện tích xoài thơm ở địa phương nhiều lắm, đến hàng trăm héc-ta, thì nay chỉ còn vài chục héc-ta. Nhiều người dân chuyển đất trồng xoài sang đào ao nuôi cá và trồng một số loại cây ăn trái khác. Mặt khác, đất ven sông Tiền sạt lở nghiêm trọng trong những năm trước cũng là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích xoài thơm bị thu hẹp”, ông Dương Tấn Nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa chia sẻ.

Trước kia, gia đình ông Trần Văn Hùng có hơn 5 công xoài của cha ông để lại ở ấp Vĩnh Bường nhưng do sạt lở nên không còn gốc nào. Nhận thấy xoài thơm mang lại thu nhập cao nên ông đã mua đất, đầu tư trồng hơn 4 công, với trên 80 gốc xoài thơm ở ấp Vĩnh Thạnh B. Sau hơn 5 năm chăm sóc, vườn xoài đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ông cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch dứt điểm vụ xoài năm nay, năng suất khoảng 200 kg/gốc, được thương lái thu mua với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lời trên 2 triệu đồng/gốc.

“Xoài thơm cho thu nhập rất ổn định, thu hoạch bao nhiêu là thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Nhờ nó mà nông dân trồng xoài có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”, ông chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Hùng, xoài thích hợp với vùng đất bãi bồi, cồn cát ven sông Tiền nên là đặc sản phân biệt với xoài trồng ở những vùng khác. Vào đầu tháng giêng, xoài thơm bắt đầu ra bông, khoảng 3 tháng sau thì bắt đầu thu hoạch trong vòng từ 1- 1,5 tháng tiếp theo.

Xoài thơm có một điểm đặc trưng không giống với các loại xoài khác là bông ra nhiều và dài hơn, mỗi bông chỉ đậu từ 1-3 trái nhưng bù lại nó có rất nhiều bông.

Sau khi chín, xoài có trọng lượng từ 250 – 500g/trái. Xoài thơm thường nhiễm những bệnh, như: Rệp sáp, sâu đeo bông, vi khuẩn làm thối trái, đặc biệt sâu đục thân và ruồi vàng. Vì thế, cần phải thăm vườn thường xuyên để kịp thời xử lý khi phát hiện bệnh, nhất là trong khoảng thời gian xoài đang ra bông và sắp thu hoạch.

Ông Đoàn Thanh Hùng, ngụ ấp Vĩnh An cũng phấn khởi khoe: “Vụ xoài năm nay, nông dân địa phương “thắng đậm”, vừa được mùa lại bán được giá cao.

Gia đình ông Hùng vừa thu hoạch dứt điểm 4 công xoài thơm, với năng suất trung bình gần 200kg/gốc, đặc biệt 5 cây xoài cổ thụ (trên 30 tuổi) cho thu hoạch trên 1 tấn/gốc, được thương lái thu mua với giá 15.000 – 17.000 đồng/kg (xoài sống) và từ 20.000 – 25.000 đồng/kg (xoài chín), sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 10 triệu đồng/công.

Ông chia sẻ: “Trồng xoài thơm không khó nhưng lợi nhuận cao và ổn định hơn nhiều so với trồng lúa và các loại cây ăn trái khác. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Vào mùa, trung bình mỗi lao động hái xoài được thu nhập trên 100.000 đồng/ngày”.

Theo ông Dương Tấn Nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa, hầu như nhà nào đều trồng xoài, người ít thì năm bảy gốc, nhiều thì vài chục gốc. Tuy nhiên, toàn xã có 45 hộ, với 5,5 héc-ta xoài thơm thương phẩm.

Hiện nay, xoài thơm mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Nông nghiệp và các nhà khoa học nghiên cứu và cách khôi phục lại giống xoài đặc sản này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng và phát triển mô hình trồng xoài thơm, Hội Nông dân xã phối hợp các ngành chức năng thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhân giống xoài thơm cho bà con nông dân.

Đồng thời, liên hệ tìm thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhằm tăng thêm thu nhập, bảo vệ quyền lợi cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Theo An Giang Online