Đồng bằng sông Cửu Long

Tìm biện pháp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa

Cập nhật, 07:48, Thứ Sáu, 24/05/2013 (GMT+7)

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, sáng ngày 23-5, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị về chương trình thu mua tạm trữ lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đến dự có đại diện các địa phương trong vùng ĐBSCL và các bộ, ngành có liên quan.

Lợi ích người trồng lúa chưa được như mong muốn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong thời gian thực hiện chương trình thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2012- 2013 (từ ngày 20-2 đến ngày 31-3) tại ĐBSCL, có 116/120 doanh nghiệp được phân chỉ tiêu tham gia mua tạm trữ đã mua đủ 1 triệu tấn quy gạo (đạt 100% kế hoạch), giá mua lúa khô loại thường (IR 50404) tại kho dao động từ 5.200đồng-5.400đồng/kg, quy ra giá mua lúa khô tại ruộng từ 5.100đồng/kg - 5.300đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tạm trữ 100-200đồng/kg.

Cần có giải pháp thực sự hiệu quả để tăng thu nhập cho người dân trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 Với giá lúa bình quân toàn vùng là 3.616đồng/kg thì chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành sản xuất là từ 38% đến 46%. Tuy nhiên, không phải người sản xuất lúa được hưởng hoàn toàn phần chênh lệch này và không phải giống nhau ở các địa phương vì tỷ lệ lúa, gạo mà doanh nghiệp mua trực tiếp của nông dân còn thấp.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, cho biết:

- Chủ trương thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 tại ĐBSCL là phù hợp, tạo điều kiện cho người nông dân, doanh nghiệp chủ động trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa, góp phần kiềm chế tình trạng sụt giảm giá.

Trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa, gạo trên thị trường đã tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ. Mức giá mua đảm bảo người nông dân có lãi và giữ ổn định, tạo điều kiện giữ được mặt bằng giá xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết thêm, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình tạm trữ lúa, gạo còn một số hạn chế cần được khắc phục. Việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Thời gian thu hoạch lúa, gạo cũng khác nhau giữa các địa phương. Mặt khác, sự phân bổ của các doanh nghiệp tham gia tạm trữ cũng không giống nhau giữa các địa phương. Tác động tăng giá mua lúa, gạo trên thị trường trong quá trình thực hiện tạm trữ, không lớn. Bởi giá lúa, gạo trong nước phụ thuộc không chỉ vào quan hệ cung cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng của giá xuất khẩu.

Đề xuất nhiều giải pháp

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: “Theo tôi, thời gian tới, nhất là trong thời gian thu hoạch lúa Hè Thu 2013, việc thu mua tạm trữ 1 triệu hay 1,5 triệu tấn lúa, gạo là tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, nếu thị trường xuất khẩu chậm thì chúng ta phải trữ nhiều hơn.

Hiện nay thị trường thế giới dư thừa gạo nhiều nên chúng ta không nên chạy theo thị trường mà phải làm sao điều chỉnh sản xuất. Về vấn đề này, Hiệp hội đã kiến nghị chính thức với Chính phủ và các bộ, ngành làm sao giảm diện tích lúa, tăng diện tích màu. Nếu tình hình xuất khẩu gạo tăng trở lại thì chúng ta tăng diện tích lúa trở lại.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, đánh giá:

“Trong quá trình thu mua lúa, gạo, chúng tôi rút ra kinh nghiệm là khâu tiêu thụ là quan trọng nhất. Để thực hiện tốt khâu này thì phải có sự thống nhất, đồng cảm, chia sẻ giữa các doanh nghiệp và người trồng lúa. Các doanh nghiệp cần có sự vận động để nông dân hiểu biết, nhất là nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn – mô hình cần có sự phối hợp cao. Trong vụ Hè Thu tới, tôi kiến nghị nên thu mua tạm trữ theo phương thức của vụ Đông Xuân 2012 -2013 vừa qua, tức là giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam làm đầu mối, phân giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện mua tạm trữ, nhưng những doanh nghiệp này phải có đủ năng lực”.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh:
 
“Bộ NN&PTNT thống nhất giao cho hiệp hội thu mua, nhưng phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương và chịu trách nhiệm về hiệu quả thu mua theo sản lượng quy định. Sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành các báo cáo và đề xuất Chính phủ về kế hoạch thu mua tạm trữ lúa, gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 cũng như quy chế thu mua trong thời gian tới.

Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều đại biểu còn cho rằng, để khắc phục hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa VFA và UBND các tỉnh, thành trong vùng. Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hợp đồng thu mua trực tiếp cho người sản xuất lúa, nhất là nông dân tham gia trong vùng nguyên liệu tập trung.

Các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng, lắp đặt máy sấy, kho chứa tại vùng nguyên liệu tập trung…

Theo QĐND Online