Để đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cập nhật, 15:15, Thứ Năm, 23/06/2016 (GMT+7)

 

Các nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm máy gia tốc (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang giới thiệu quy trình vận hành máy Pelletron 5SDH-2 là loại máy gia tốc tĩnh điện kép (Tandem) được sản xuất tại hãng National Electrostatics Corporation (NEC)- Hoa Kỳ. Đây là máy gia tốc tĩnh điện hiện đại, lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam.
Các nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm máy gia tốc (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang giới thiệu quy trình vận hành máy Pelletron 5SDH-2 là loại máy gia tốc tĩnh điện kép (Tandem) được sản xuất tại hãng National Electrostatics Corporation (NEC)- Hoa Kỳ. Đây là máy gia tốc tĩnh điện hiện đại, lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam.

™Sức mạnh khoa học và công nghệ (KH- CN) không đơn thuần là động lực của quá trình phát triển mà then chốt là lực lượng sản xuất hàng đầu, góp phần nâng cao năng lực quốc gia.

Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp (DN) nào biết ứng dụng công nghệ mới làm công cụ sắc bén cho sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực công nghệ của các DN vừa và nhỏ vẫn diễn ra quá chậm và hiệu quả chưa cao.

Hiện trạng và nguyên nhân

Hiện có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, hỗ trợ thông tin công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển DN công nghệ cao…

Trong đó, chương trình về nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa phẩm của DN đã hỗ trợ được nhiều DN mỗi năm trong nâng cao năng suất, áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn chất lượng, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thu hút được sự tham gia tích cực của các địa phương trong đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm/đặc sản địa phương, nâng cao nhận thức của DN về sở hữu trí tuệ.

Ở TP Hồ Chí Minh, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm 95% tổng số DN đang hoạt động. Tuy nhiên, khảo sát tại 400 DN trên địa bàn cho thấy, chỉ có 13% trong số này có trình độ công nghệ từ trung bình khá trở lên, trong khi đó, có tới 51% ở mức yếu.

Khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng cho thấy, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ, thiết bị mỗi năm của các nước đang phát triển chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này chưa đến 10%.

Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trình độ công nghệ cũng như mức độ làm chủ công nghệ của các DN công nghiệp Việt Nam thuộc hàng thấp và chậm so với khu vực.

Khoảng 30 năm trước, Thái Lan, Malaysia có trình độ phát triển tương đương Việt Nam. Nhưng hiện nay, các nước này đã vượt qua Việt Nam. Trong lĩnh vực dệt may chẳng hạn, công nghệ, thiết bị đã gần 15 tuổi, thuộc dạng phế thải của Hàn Quốc, nhưng một vài DN dệt may Việt Nam vẫn nhập về để sản xuất.

Theo Luật Thuế thu nhập DN, các DN được phép trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ. Khảo sát của UNDP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện tại 100 đơn vị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị- công nghệ chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm.

Nguyên nhân thấp là do lợi nhuận của khối DN này còn thấp nên hạn chế về năng lực tích tụ vốn dành cho đổi mới công nghệ, khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ.

Tỷ lệ những DN này tham gia chương trình hỗ trợ của Chính phủ còn rất khiêm tốn, do nguồn lực của bản thân DN hạn chế hoặc chưa chuẩn bị để tiếp cận các nguồn vốn. Các DN vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn ngay trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, một phần vì thủ tục quá phức tạp và phần khác do DN thiếu thông tin.

Bên cạnh đó, DN vừa và nhỏ vẫn còn nằm ngoài chuỗi cung ứng và chưa trở thành một thành tố quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển.

Thêm vào đó là các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển DN tư nhân chưa được phối hợp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Đa số các DN vừa và nhỏ chưa tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là trình độ công nghệ và sáng tạo của các DN vừa và nhỏ còn thấp, tốc độ đổi mới công nghệ của các nước cũng thấp so với yêu cầu, tỷ lệ ứng dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực.

Theo báo cáo điều tra của các tỉnh- thành, trình độ công nghệ của DN nhìn chung mới chỉ đạt mức trung bình so với khu vực và thế giới. Hoạt động đổi mới công nghệ của các DN rất khác nhau, cả về nội dung lẫn quy mô đầu tư, và phần lớn chỉ tập trung vào những phần tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, các DN hoạt động trong lĩnh vực KH- CN vẫn chưa nhiều, số lượng nhà khoa học làm việc trong các DN cũng rất ít, chiếm khoảng 0,025% tổng số lao động của DN.

Do chưa nhận thức rõ vai trò và sự kết hợp các thành phần công nghệ trong sản xuất, do hạn chế về vốn và năng lực công nghệ, do thiếu thông tin và kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ cùng nhiều yếu tố khác đã khiến cho quá trình đổi mới công nghệ của các DN vừa và nhỏ hoạt động kém hiệu quả.

Giải pháp

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH- CN Nguyễn Quân, “do hiện nay chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để thuyết phục các DN phải đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ” nên tình hình đổi mới công nghệ tại DN diễn ra chậm chạp.

Tuy Luật Thuế thu nhập DN quy định DN được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KH- CN, nhưng hầu hết DN vẫn chưa quan tâm và cũng chưa đầu tư. Chính vì vậy, “cần phải có chế tài đủ mạnh để thuyết phục DN phải trích một phần lợi nhuận để phát triển KH- CN.

Những DN quá nhỏ có thể đóng góp cho quỹ phát triển KH- CN của địa phương để quỹ này có được một nguồn đủ lớn cho phép tái đầu tư theo thứ tự ưu tiên, làm sao mỗi năm sẽ có một số DN được hỗ trợ để đổi mới công nghệ. Có thể mở rộng các phương thức đầu tư của DN dành cho KH- CN.

Hiện nay, Chính phủ đã cho phép các tỉnh- thành lập quỹ phát triển KH- CN, Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu để hoạt động và về lâu dài, quỹ phải tự bảo tồn và phát triển vốn. “Nếu chúng ta buộc các DN phải trích 10% lợi nhuận trước thuế như trong Luật Thuế thu nhập DN quy định, chắc chắn chúng ta sẽ có một nguồn đầu tư lớn gấp đôi số ngân sách nhà nước đã đầu tư cho KH- CN”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong DN, cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, từ chính sách, tài chính đến truyền thông.

Giải pháp về chính sách: Hoàn thiện nội dung chương trình phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020; khẩn trương nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển DN vừa và nhỏ giai đoạn 2016- 2020; xây dựng đề án những giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất của các DN vừa và nhỏ; sửa đổi và bổ sung Nghị định số 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích DN đầu tư vào KH- CN (như cho phép hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước 30% tổng kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu của DN vừa và nhỏ)…

Giải pháp về truyền thông: Tăng cường phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ; nâng cao nhận thức của DN về sự cần thiết phải đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực DN trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay; xây dựng cơ chế hỗ trợ tra cứu thông tin về KH- CN, về sở hữu trí tuệ để các DN tiếp cận dễ dàng hơn.

Những giải pháp khác: Tổ chức thường xuyên các hội chợ công nghệ và thiết bị mang tầm quốc gia, vùng và địa phương, kể cả các sàn giao dịch công nghệ điện tử để phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu kết nối cung cầu về công nghệ. Quỹ phát triển KH- CN quốc gia, quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia mở rộng hình thức hỗ trợ, như hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay giúp DN xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ.

Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KH- CN phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn miền núi. Hỗ trợ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lãnh đạo DN thuộc lĩnh vực công nghệ cao về quản trị công nghệ.

Để phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các DN cần thường xuyên đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm- dịch vụ. Song song những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bản thân DN cũng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới công nghệ và thêm vào đó, là tinh thần dám nghĩ dám làm. Như vậy, tiến trình đổi mới công nghệ mới thành công.

Bài, ảnh: TS.VĂN HỮU HUỆ