Doanh nghiệp nhỏ và vừa: cần tiếp sức nhiều hơn

Cập nhật, 14:59, Thứ Năm, 16/06/2016 (GMT+7)

Yếu kém về vốn, mặt bằng, thị trường tiêu thụ, nguồn lực còn hạn chế... là những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang gặp phải. Theo đó, những chính sách, chương trình hỗ trợ kịp thời, đúng với nhu cầu của DN đã được triển khai để “tiếp sức” cho DN.

Nhiều chương trình hỗ trợ đã được triển khai, tiếp sức cho doanh nghiệp.
Nhiều chương trình hỗ trợ đã được triển khai, tiếp sức cho doanh nghiệp.

Thiếu vốn, tốn nhân công

Vĩnh Long có khoảng 2.800 DN, trong đó có đến 99% là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các DN này đã và đang phải đối mặt những khó khăn thách thức như: thị trường khốc liệt, cạnh tranh ngày càng gay gắt, nội lực chưa đủ mạnh để vươn ra thị trường lớn...

Được thành lập từ năm 2013, lúc đầu cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (xã Lộc Hòa- Long Hồ) gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thị trường tiêu thụ còn hạn chế.

Anh Liêu Trung Hải cho biết: Ban đầu, cơ sở chỉ sản xuất bằng lò truyền thống đã cũ kỹ, máy móc thiết bị thô sơ, năng suất không cao, chất lượng cũng chưa đồng đều, hạt hay bị đốm. Lò thủ công cũ chỉ sản xuất được khoảng 350 kg/ngày, tốn nhiên liệu rất nhiều, một thước củi tràm chỉ làm được 2 mẻ, làm tối đa chỉ được 6 mẻ/ngày (50 kg/mẻ), tốn 7- 8 nhân công để sản xuất.

Là công ty có nhiều mặt hàng xuất khẩu, song do ảnh hưởng của nền kinh tế chung, đã có lúc Công ty TNHH Giày Vĩnh Thanh (Phường 9- TP Vĩnh Long) đã chựng lại vì gặp khó về vốn, thị trường, sức cạnh tranh.

Ông Trần Văn Thanh- Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, công ty còn gặp nhiều khó khăn, nội lực còn yếu, thiếu yếu tố kỹ thuật trong sản xuất làm cho mẫu mã, chất lượng chưa đạt yêu cầu, máy móc cũ khiến lượng nhân công làm thủ công tăng hơn.

Thêm vào đó, việc huy động vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, tiết kiệm là vấn đề rất cấp bách để DN giảm tối đa chi phí năng lượng trong bối cảnh sản xuất khó khăn và chi phí năng lượng đang tăng cao. Tuy nhiên, do cần đầu tư vốn lớn nên DN “ngán”. Nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ từ ngành chức năng thì DN khó có thể trụ vững và vượt qua khó khăn.

Tương tự, ông Bùi Văn Phước- chủ DNTN Chính Phước (xã An Phước- Mang Thít) cho biết: Để mở rộng quy mô, thị trường, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, rất cần sự đầu tư máy móc tiên tiến nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến xuất khẩu.

TS. Nguyễn Tấn Khuyên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, còn cho rằng: một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế sự phát triển của các DN nhỏ và vừa là do năng lực trình độ của cán bộ quản lý còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Nhưng DN lại chưa thật sự quan tâm đến đào tạo và phát triển cán bộ quản lý.

Tiếp sức cho DN

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ để tiếp sức, đồng hành cùng DN, như: hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, tập huấn nâng cao năng lực quản lý DN trong thời kỳ hội nhập, xây dựng và phát triển thương hiệu, hay hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm...

Trong đó, đề án Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã đem lại hiệu quả rất rõ nét. Nhiều thương hiệu tham gia đề án không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành mà đã từng bước vươn ra thế giới, tạo uy tín và thêm động lực cho các DN phát triển.

Song song đó, công tác khuyến công cũng theo sát “thời sự” kinh tế thông qua việc tổ chức các hội thảo, từ đó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thương hiệu trong kinh doanh và nắm được thông tin về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, cũng như những cơ hội, thách thức và yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã trụ vững và phát triển.
Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã trụ vững và phát triển.

Nhiều đợt kết nối cung cầu đã tạo điều kiện cho các DN tìm hiểu, giao lưu thương mại và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và mở rộng kênh tiêu thụ trong thời gian tới. Đồng thời, việc hỗ trợ đầu tư, ứng dụng, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo một bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Trần Văn Thanh chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ đầu tư máy móc tiên tiến, đã sản xuất được sản phẩm đa dạng hơn, tiết kiệm được nhân công, hạ giá thành. Giúp công ty có nhiều lợi thế, nâng cao tính cạnh tranh, phát triển bền vững hơn. Cụ thể như được hỗ trợ 3 máy vào dây chuyền sản xuất đã giúp DN tăng năng suất gấp 3- 4 lần”.

Được hỗ trợ gần 50% cho dây chuyền sản xuất cà phê tiên tiến hơn, anh Liêu Trung Hải phấn khởi: “Dây chuyền này sản xuất được tối đa 1,5 tấn/ngày. Chất lượng hạt đạt 95%, hạt màu đẹp hơn trước nhiều, không bị đốm. Đồng thời, giảm được 50% nhân công, tiết kiệm nhiên liệu, một thước củi tràm rang được 6- 8 mẻ”.

Bước vào hội nhập, bên cạnh thuận lợi, DN vừa và nhỏ sẽ gặp thêm nhiều khó khăn mới. Do đó, nhiều DN mong muốn được tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin, tham gia hội chợ, triển lãm, đổi mới công nghệ... và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là có liên quan trực tiếp đến DN.

Song song, DN cũng cần phải chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và các tiêu chuẩn quốc tế.

 

Ông Đỗ Hữu Quang- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển doanh nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Hoạt động khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; giúp DN, cơ sở sản xuất phát triển bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

 

™Bài, ảnh: THẢO LY