Phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 15:17, Thứ Năm, 14/01/2021 (GMT+7)

 

Tham quan mô hình ươm cây giống ở xã Chánh An.
Tham quan mô hình ươm cây giống ở xã Chánh An.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2020 của huyện Mang Thít, đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng, huyện có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tác động lan tỏa. Đây là tín hiệu đáng phấn khởi vì giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Các mô hình hiệu quả

Đến xã Chánh An (Mang Thít) hôm nay, chúng tôi vô cùng ấn tượng bởi những mảnh vườn tiếp nối vườn đến ngút tầm mắt, điểm vào đó là từng mảng xanh của cây trái, hoa màu.

Bà Trương Thị Hồng Dinh- Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An- cho biết: Thời gian qua, người dân địa phương quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, thay thế những giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình ươm cây giống, nuôi lươn, bưởi da xanh, nhãn ido, dừa Mã Lai, sầu riêng… giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hiệu quả vào thực hiện tiêu chí số 10 trong xây dựng nông thôn mới.

Từ khi mạnh dạn thuê đất để ươm cây giống mà kinh tế gia đình của chị Lê Thị Thúy Quyên (xã Chánh An) ngày càng phát triển. Theo chị, trước đây do không có điều kiện nên chị thuê 3 công đất để ươm cây mít Thái, sầu riêng. Khi bắt đầu thực hiện mô hình này, chị cũng… đắn đo vì không biết hiệu quả thế nào. Nhưng khi thực hiện mới thấy chi phí đầu tư mô hình này không cao lại không tốn nhiều công chăm sóc, ít bị sâu bệnh. “Từ khi ươm cây xuống đất đến tầm khoảng 6- 8 tháng, cây cao quá đầu người là có thể bán cho thương lái. Tính ra một năm, trừ tất cả chi phí, mỗi công vườn ươm cho lời từ 20- 30 triệu đồng”- chị cho biết.

Qua thời gian thấy hiệu quả nên chị đã thuê thêm đất và đến nay diện tích đã lên đến hơn 15 công. Với hơn một năm thực hiện mô hình này, chị Quyên đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng…

Mô hình ươm cây giống vừa dễ lại phù hợp với nhu cầu thị trường nên ông Lê Thành Chương (xã Chánh An- Mang Thít) cũng mạnh dạn chuyển đổi 4 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang ươm cây mít Thái. Đưa chúng tôi tham quan vườn cây lá xanh um vươn cao qua gối, ông phấn khởi nói: “Cây cao thêm chút nữa là thương lái đến tận nơi thu mua. Hứa hẹn hiệu quả kinh tế khả quan”.

Ở Mang Thít, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình với những nông dân luôn cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, năng động trong phán đoán thị trường tiêu thụ,… Từ đó, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương…

Gia đình không có ruộng vườn nên vợ chồng chị Lê Thị Kim Sa (xã Mỹ An- Mang Thít) đi làm công ở lò gạch để kiếm sống và nuôi 2 đứa con đi học. Mấy năm nay chồng chị bị bệnh không thể làm việc nặng nên đời sống gia đình rất khó khăn. Cũng nhờ địa phương hỗ trợ vay vốn nuôi thỏ mà kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện hơn.

Hướng về trang trại nuôi thỏ hơn 50 ô đôi, chị cho biết: “Thấy thương lái, các quán ăn rất chuộng thịt thỏ nên vợ chồng tui quyết định nuôi. Thỏ nuôi không khó vì thức ăn cũng dễ kiếm, chuồng trại, môi trường thông thoáng, sạch sẽ thì thỏ sẽ phát triển và sinh sản tốt”.

Cũng nhờ chăn nuôi “mát tay” mà từ vài chục con thỏ giống, sau hơn 1 năm gia đình chị mở rộng quy mô hơn trăm con thỏ giống, thỏ thịt… “Với giá thị trường khoảng 60.000 đ/kg, hàng tháng gia đình tôi kiếm vài triệu đồng là khỏe re”- chị nói.

Tiếp tục phát huy và nhân rộng

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mang Thít Nguyễn Thành Tâm, năm 2020, huyện triển khai thực hiện 18 mô hình, dự án hỗ trợ nông dân sản xuất với tổng kinh phí 2,46 tỷ đồng. Nhìn chung, các mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, đạt hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập của người dân. Điển hình có thể kể đến mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt tập trung ở các xã Tân Long, Hòa Tịnh; mô hình sản xuất củ cải trắng, khoai mỡ theo hướng VietGAP ở Long Mỹ, Mỹ An.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả do dân tự đầu tư được duy trì như trồng rau thủy canh ở xã Bình Phước, mô hình trồng nấm bào ngư và nuôi vịt áp dụng công nghệ mới ở xã Mỹ Phước, nuôi lươn giống ở xã Chánh An, Tân Long Hội, Nhơn Phú,…

 Nhờ nuôi thỏ mà kinh tế gia đình chị Kim Sa được cải thiện hơn.
Nhờ nuôi thỏ mà kinh tế gia đình chị Kim Sa được cải thiện hơn.

Đặc biệt, mô hình chăn nuôi quy mô trang trại tăng 11 trang trại so với cùng kỳ. Hiện địa phương có 114 trang trại cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, chủ yếu là nuôi gà, heo và vịt, tập trung ở xã An Phước, Mỹ Phước, Mỹ An,… Các trang trại này đa phần là hình thức liên kết nuôi gia công cho các công ty nên tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường thường không ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mang Thít- Nguyễn Thành Tâm cho biết: Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây màu luân canh trên đất lúa, mở rộng diện tích rồng màu chuyên canh. Bên cạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; chủ động phòng trị có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, nhất là kinh tế vườn.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- lưu ý: Địa phương nên phát huy thế mạnh, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả này. Đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm, định hướng thị trường... tạo điều kiện để bà con nông dân an tâm sản xuất kinh doanh để thúc đẩy kinh tế huyện cũng là góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ